“Làng quan họ quê tôi” là bài hát đầu tiên ghi dấu một Nguyễn Trọng Tạo nhạc sĩNguyễn Trọng Tạo từ lâu được công chúng biết đến không chỉ với tư cách là một nhà thơ, nhà văn, hoạ sĩ với nhiều tác phẩm gây được tiếng vang trong giới nghệ thuật, mà người ta còn biết đến ông với tư cách một nhạc sĩ với các ca khúc mang âm hưởng dân gian nổi tiếng như: Làng quan họ quê tôi (lời thơ: Nguyễn Phan Hách), Khúc hát sông quê (thơ: Lê Huy Mậu), Đôi mắt đò ngang…
“Làng quan họ quê tôi” là bài hát đầu tiên ghi dấu một Nguyễn Trọng Tạo nhạc sĩ, bởi trước đó, công chúng chỉ biết đến ông với tư cách là một nhà thơ, nhà văn.
Phóng viên VOV có cuộc trò chuyện với nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo về những sáng tác âm nhạc của ông.
Văn chương mới là nghiệp chính** Sau thành công của “Làng quan họ quê tôi”, âm nhạc được ông đặt ở vị trí nào trong chặng đường sự nghiệp của mình?
Tôi là một nhà thơ, nhưng thực ra đã viết nhạc từ lúc trẻ. Năm 18 tuổi, tôi đã viết ca khúc. Trước năm 1975, tôi đã viết rất nhiều ca khúc cho một đoàn văn công xung kích của bộ đội khu IV. Khu IV thời đó là tuyến lửa vô cùng ác liệt. Nhiều bài hát của tôi đã vang lên ở vùng đất lửa đó. Những bài hát thời đó của tôi cũng được phát trên Đài TNVN trong chương trình phát thanh văn nghệ quân đội và nhận được nhiều giải thưởng.
Nhưng phải đến năm 1978, khi tôi viết “Làng quan họ quê tôi”, mọi người mới biết đến tôi với tư cách nhạc sĩ. Sau cuộc chiến tranh đó, tôi đã trở về Hà Nội và bài hát đã được vang lên, được công chúng đặc biệt yêu thích ngay từ lần phát sóng đầu tiên ở chương trình Câu lạc bộ âm nhạc của Đài TNVN.
** Lúc đó nhạc sĩ bao nhiêu tuổi? Được biết, khi sáng tác “Làng quan họ quê tôi”, nhạc sĩ chưa đặt chân đến vùng quê quan họ Bắc Ninh?
Lúc đó tôi chưa đến 30 tuổi. Trong sáng tạo nghệ thuật, có nhiều cách để đi thực tế, người ta có thể làm thơ về miền Nam, làm thơ về châu Âu mà người ta chỉ ở Việt Nam… Nhà văn Nguyễn Khải đã từng viết một cuốn ký sự về Hoà Vang, mà ông chưa hề đặt chân đến Hoà Vang. Ông ở miền Bắc và chỉ được nghe kể về vùng đất này.
Riêng với tôi, đối với vùng đất Bắc Ninh, miền quan họ quyến rũ đó, tuy chưa đến lần nào đến trước khi viết bài hát đó, nhưng phải nói rằng, tôi đã được tiếp xúc nhiều với quan họ, từ những điệu hát quan họ được phát qua Đài, được nghe qua đĩa, được nghe qua các buổi biểu diễn văn nghệ, xem phim… những tư liệu đó gây cho tôi ấn tượng về miền quan họ, về âm nhạc quan họ. Đặc biệt, tôi có đọc một số cuốn sách văn hoá viết về quan họ, viết về lịch sử vùng đất quan họ, về nguồn gốc của dân ca quan họ. Phải nói rằng, những cuốn sách đó đã thu hút tôi, tạo cho tôi có cảm hứng viết về miền đất này. Nhưng phải đến khi nhà thơ Nguyễn Phan Hách đưa cho tôi bài thơ “Làng quan họ”, cảm hứng âm nhạc trong tôi mới thực sự xuất hiện. Và tôi đã phổ nhạc bài thơ ấy để có được “Làng quan họ quê tôi”.
Nghe một số ca khúc của Nguyễn Trọng Tạo
** Sau thành công của bài hát này, công chúng đã biết tới ông không chỉ là nhà văn, nhà thơ hay hoạ sĩ, mà còn biết đến ông với tư cách là một nhạc sĩ. Vậy thơ, nhạc, hoạ - đâu là nghiệp chính của ông?
Phải khẳng định là sự lựa chọn của tôi là văn chương, không phải âm nhạc. Tôi vào quân đội thời chiến tranh, làm thơ, viết văn, làm báo, và sau này khi lựa chọn trở lại con đường đại học, tôi vẫn lựa chọn vào trường viết văn Nguyễn Du (tôi học khoá đầu tiên). Lựa chọn đó của tôi là rất rõ ràng và có thể nói rằng, sự nghiệp thơ ca của tôi cho đến bây giờ có thể nói cũng đã có những đóng góp nhất định cho nền thơ ca Việt Nam cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Con đường thơ văn mà tôi lựa chọn là con đường quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Còn âm nhạc có thể xem như một sự ngẫu hứng.
Tất nhiên, về âm nhạc, không học thì không thể làm được một cách chuyên nghiệp. Người ta quan niệm khác nhau về âm nhạc chuyên nghiệp: người sáng tác thì phải viết được giao hưởng, phải học ở các nhạc viện lớn, uy tín, nơi đào tạo ra những nhạc sĩ có tên tuổi. Ở Việt Nam, nhiều nhạc sĩ không chỉ học ở các nhạc viện quốc gia, mà còn học ở các nhạc viện ở nước ngoài, họ đã sáng tác giao hưởng và đã có những thành công nhất định. Tuy nhiên, nhạc giao hưởng ở Việt Nam vẫn chưa được phổ biến. Chính điều đó mà những nhạc sĩ Việt Nam, kể cả những người học để sáng tác giao hưởng, vẫn cố gắng để viết được những ca khúc đến với công chúng. Trịnh Công Sơn là một ví dụ. Anh ấy chỉ cần học để viết một ca khúc, để sáng tác cho được một ca khúc, tôi nghĩ điều ấy không quá khó khăn đối với những người say mê âm nhạc.
Tôi nghĩ mình cũng là người viết ca khúc như thế. Lúc đầu thì tự học, về sau, tôi được một người anh đã từng tốt nghiệp sáng tác ở trường âm nhạc Việt Nam, cùng trong quân đội với nhau, anh truyền lại cho tôi các hình thức cũng như thủ pháp sáng tác trong âm nhạc, đặc biệt là cách thức sáng tác một ca khúc. Thời đó, tôi cũng đã viết cả nhạc múa, liên khúc hợp xướng lớn và cũng giành được một số giải thưởng. Tuy nhiên, sáng tác âm nhạc với tôi vẫn chỉ là sự ngẫu hứng mà thôi.
** Trong những danh xưng như nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn, hay hoạ sĩ, ông thích được gọi bằng danh xưng nào hơn?
Như đã nói ở trên là tôi lựa chọn văn chương, nhưng mọi người gọi tôi bằng danh xưng nào thì tôi cũng vẫn vui: gọi bằng nhà thơ hay nhạc sĩ đều được, thậm chí khi tôi viết những bài tiểu luận, phê bình, người ta lại gọi tôi là nhà phê bình cũng không sao, bởi mình làm gì thì họ gọi như thế. Tuy nhiên, tôi cũng là hội viên Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hội Nhạc sĩ… nhưng những vị trí ấy tôi tham gia vì nó mang tính nghề nghiệp và chuyên môn để được cùng sinh hoạt nghề nghiệp với các anh chị em trong nghề.
Không lãng mạn, Nguyễn Trọng Tạo sẽ khó sáng tạo** Ông coi âm nhạc là sự ngẫu hứng. Vậy 2 ca khúc “Làng quan họ quê tôi” và “Khúc hát sông quê” của ông trong năm 2010 đã được xếp vào danh sách 20 bài hát hay viết về đề tài tam nông, ông có thấy bất ngờ với sự bình chọn này không?
Với tôi, giải thưởng đó vừa bất ngờ mà cũng không bất ngờ. Bất ngờ bởi đó là cuộc bình chọn tương đối khó khăn, trong một khoảng thời gian rất rộng 60 năm, trong khi kho tàng âm nhạc của ta cũng có rất nhiều ca khúc hay về đề tài tam nông. Tuy nhiên, tôi cũng không quá bất ngờ khi theo dõi trên các trang mạng bình chọn, đã thấy xuất hiện 2 bài hát của mình. Nhưng đến khi biết cả 2 bài cùng được lựa chọn, quả là một bất ngờ lớn với tôi, bởi rất nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp, suốt đời làm nhạc, họ cũng có những bài hát rất hay, nhưng ca khúc của họ lại không được lựa chọn vào trong 20 bài hát. Tất nhiên, kết quả này còn tuỳ thuộc vào sự bình chọn của thính giả.
** Với “Khúc hát sông quê”, một lần nữa, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã chứng minh khả năng khai thác và sử dụng nhuần nhuyễn chất liệu dân gian. Ông có nghĩ đây là thế mạnh của mình không?
Tôi cho rằng, trong âm nhạc, quan trọng là ngôn ngữ âm nhạc. Người nhạc sĩ phải tạo cho tác phẩm của mình một ngôn ngữ âm nhạc. Bài hát có phần lời và phần nhạc, nhưng nếu không chú ý đến ngôn ngữ âm nhạc, cuối cùng người ta chỉ nhớ đến lời ca mà không nhớ đến bài hát. Hay nếu phổ nhạc cho một bài thơ, có những bài thơ hay, công chúng đã thuộc rồi. Nhưng nếu khi phổ nhạc, người nhạc sĩ không tạo cho nó một ngôn ngữ âm nhạc độc đáo, công chúng sẽ ngay lập tức chê bài hát dở hơn bài thơ. Do vậy, mỗi nhạc sĩ đều phải rất chú trọng việc lựa chọn ngôn ngữ âm nhạc trong sáng tác của mình.
Riêng tôi cho rằng, dùng chất liệu âm nhạc của Việt Nam để tạo nên những tác phẩm âm nhạc Việt Nam là rất quan trọng. Nếu hay, nó sẽ khó lẫn với tác phẩm âm nhạc nước ngoài vì âm nhạc Việt Nam mang những nét đặc trưng của Việt Nam, của các vùng miền ở Việt Nam.
Tôi lựa chọn chất liệu âm nhạc dân gian cho “Khúc hát sông quê” là chất liệu miền Trung, có một chút Nghệ Tĩnh, một chút Huế, có cả những nét chung của miền Bắc và miền Nam. Vì thế, âm nhạc của bài hát này vẫn mang màu sắc miền Trung nhưng người miền Bắc và miền Nam vẫn thích, bởi họ thấy giống với quê hương mình. Tôi nghĩ rằng, đã là nhạc sĩ sáng tác, đặc biệt nhạc mới, chỉ nên lấy tinh chất của dân ca để thổi vào bản nhạc một cảm xúc có tính ký thác riêng của nhạc sĩ.
** Những tâm tư, tình cảm của người con xa quê đã được ông đưa vào “Khúc hát sông quê” ra sao?
Ai cũng có một quê hương. Tình cờ khi tôi đọc bài thơ của nhà thơ Lê Huy Mậu và thấy có một sự đồng cảm. Tôi và anh Mậu cùng là đồng hương Nghệ An, tuổi thơ của chúng tôi đều gắn bó với những con sông. Khi viết “Khúc hát sông quê”, tất nhiên là tôi viết về quê tôi, nhưng tôi cũng nghĩ về quê của anh Mậu đồng thời cũng nhớ đến rất nhiều dòng sông ở các miền quê mà tôi đã đi qua trong các cuộc chiến tranh.
** Ông được mọi người yêu mến và biết đến nhiều qua những bài thơ, đặc biệt là những bài thơ tình. Có thể nói ông là một người rất lãng mạn. Sự lãng mạn ấy có đi vào trong âm nhạc của ông không?
Những người sáng tác hay sáng tạo cũng vậy, nếu họ không có tâm hồn lãng mạn thì họ sẽ thiếu sức tưởng tượng, sự bay bổng để hình dung một thế giới mới, một thế giới khác mà người sáng tác sẽ mang đến cho công chúng. Tinh thần lãng mạn trong văn học nghệ thuật là vô cùng cần thiết. Ngay cả trong cuộc sống cũng vậy, nếu thiếu sự lãng mạn, con người ta dễ khô cứng, thiếu sự bay bổng và sức sáng tạo.
Tôi làm khá nhiều thơ tình, và được công chúng biết đến. Trong âm nhạc tôi cũng có những bài hát rất lãng mạn, những bài tình ca, như “Đôi mắt đò ngang”, “Con dế buồn”.
Sẽ có nhiều bất ngờ về Nguyễn Trọng Tạo** Thời gian này, ông đang ấp ủ những sáng tác mới của mình ở lĩnh vực nào?
Tôi vẫn tranh thủ làm thơ, bởi đến một tuổi nào đó, làm thơ ngày càng khó hơn. Có lần tôi hỏi nhà thơ Chế Lan Viên, khi ông 60 tuổi là “dạo này anh làm thơ so với hồi trẻ thế nào?”, ông trả lời rất vui: “ngày xưa thì làm được một bài thơ dài, khi đã ngoài 60 tuổi, chỉ còn làm được 3-4 câu. Đấy là nói vui thôi. Đã ngoài 60 rồi, sẽ phải xuống dốc thôi, nhưng cố không để bị xuống thẳng đứng”. Người ta làm một việc gì đó đều phải cố gắng cho tới cùng.
** Còn những dự định dành cho âm nhạc thì sao, thưa nhạc sĩ?
Tôi đang dự định làm một đĩa riêng. Vừa rồi, có ca sĩ đề nghị cho làm một đĩa gồm 10 bài hát nhạc nhẹ của tôi vì ca sĩ ấy cho rằng, những bài hát nổi tiếng của tôi hiện nay đều là những bài mang phong cách dân gian. Ca sĩ ấy thích những bài phong cách nhạc nhẹ của tôi (trong đó khá nhiều bài chưa công bố) và muốn làm đĩa riêng về những ca khúc này. Tôi cũng đang chuẩn bị cho dự án và nếu CD được ra đời, chắc sẽ có nhiều bất ngờ về một Nguyễn Trọng Tạo.
** Cảm ơn cuộc trò chuyện của nhạc sĩ./.
Thanh Hà Nguồn : VOV