TẢN MẠN VỀ “TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH” CỦA HỘI NHÀ VĂN VN
28.06.2010 18:31
|
Nhà thơ - Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo |
Tôn chỉ mục đích của Hội nhà văn phải thay đổi để phù hợp với xu thê thời đại, bảo dảm cho mọi công dân " Sống và làm việc theo pháp luật ", được dân chủ và bình đẳng.
Trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ - Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo.
Đảng nào, Hội nào cũng có tôn chỉ, mục đích của mình ghi trong điều lệ. Nhưng tôn chỉ, mục đích của Hội Nhà Văn Việt Nam thì đại hội nào cũng thảo luận rôm rả, thậm chí căng thẳng. Tôi nhớ ở đại hội IV, 3 từ tôn chỉ tổ chức “chính trị – xã hội – nghề nghiệp” được mổ xẻ vô cùng kỹ lưỡng. Nhiều người đòi bỏ từ “chính trị” , thậm chí có người còn đòi bỏ cả từ “xã hội” để Hội thực sự là một Hội “nghề nghiệp” như Nghiệp đoàn Văn Bút chẳng hạn. Cuối cùng thì đại hội chỉ biểu quyết bỏ từ “chính trị”, và tôn chỉ của Hội nhiệm kỳ đó được ghi trong điều lệ là: “Hội NVVN là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp”. 6 năm sau, đại hội V lại đem mấy từ này ra thảo luận tiếp. Có một mạch ý kiến ngầm từ lãnh đạo truyền đến các hội viên là nếu không có từ “chính trị” thì Đảng không cấp tiền (ngân sách) cho Hội hoạt động. Lại tranh cãi chán chê giữa sự lãnh đạo và tiền. Cuối cùng đại hội lại biểu quyết, và tôn chỉ của Hội được sửa lại đúng như Điều lệ Hội trước đại hội IV, tức là là: “Hội NVVN là một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp… đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” cho đến hiện nay.
Điều 2 trong chương 1 “TÊN, TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH, PHẠM VI HOẠT ĐỘNG VÀ NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI” hiện nay ghi như sau:
“Điều 2. Tính chất, mục đích của Hội
1. Hội Nhà văn Việt Nam (gọi tắt là Hội) là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp tự nguyện của các nhà văn Việt Nam (bao gồm những người sáng tác: thơ, văn xuôi, kịch bản, lý luận phê bình, dịch thuật văn học) lấy hoạt động văn học là nghề nghiệp của mình. 2. Hội tập hợp và đoàn kết các nhà văn trong sự nghiệp xây dựng nền văn học Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hội tôn trọng phong cách riêng của mỗi nhà văn và khuyến khích mọi tìm tòi đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật, nhằm phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì hòa bình và hợp tác hữu nghị với các dân tộc trên thế giới. 3. Hội Nhà văn Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Hội hoạt động theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng; chịu sự quản lý của Nhà nước và tuân thủ theo quy định của Pháp luật nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Đọc kỹ Điều 2, tôi băn khoăn ngẫm nghĩ mãi.
- Trước hết, tại sao điều 2 không ghi là “Tôn chỉ” mà lại ghi là “tính chất”? Hai từ “Tính chất” không khái quát và không đúng như tên của Chương 1 đã nói là “TÔN CHỈ”. Nên sửa lại là: Điều 2. Tôn chỉ, mục đích của Hội. - Mục 1 rõ ràng là nói về Tôn chỉ của Hội. Nhưng cái từ “chính trị” đặt ở đây trong thời kỳ kêu gọi hòa giải hòa hợp dân tộc trong giới nhà văn đang làm nhiều người suy nghĩ. Có nhiều nhà văn không thích tham gia các tổ chức chính trị mà chỉ thích được làm nghề văn. Cho dù văn chương cũng mang tính chính trị của nó, nhưng nó không bị chi phối bởi một tổ chức chính trị nào cả. Như vậy, với những nhà văn không thích hoạt động trong một tổ chức chính trị nào thì họ sẽ không thể vào được Hội nghề nghiệp mà họ muốn, mà Hội nghề nghiệp đó chính là Hội NVVN. Đó là một sự hạn chế đáng kể của Hội NV do Điều lệ quy định. Tôi nghĩ, khi đất nước đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, mà ĐCSVN cũng tuân thủ hiến pháp và pháp luật, thì ắt phải công nhận mọi nhà văn công dân khi họ tuân thủ hiến pháp và pháp luật VN dù họ không tham gia một tổ chức chính trị nào. Vì vậy, tôi thấy cánh cửa của Hội cần rộng mở hơn nữa để tựu trung được mọi văn tài đất nước gia nhập Hội bằng cách lấy tôn chỉ của Hội là một tổ chức “xã hội – nghề nghiệp”. Tôn chỉ như vậy thì giữa tổ chức Hội Nhà Văn và tiền (của đảng) có mâu thuẫn gì không? Thiết nghĩ, đảng và nhà nước nếu cùng vì sự phát triển của văn học nước nhà thì việc hỗ trợ kinh phí hoạt động Hội là điều đương nhiên, nó nằm trong sách lược phát triển văn hóa xã hội của đảng và nhà nước chứ không phải là một sự mặc cả. Còn nếu Hội tự túc được kinh phí hoạt động mà không cần đến sự hỗ trợ của đảng và nhà nước, thì cũng không có nghĩa là đảng và nhà nước sẽ bỏ rơi Hội. Từ nước chậm phát triển đến nước phát triển cũng đều như vậy cả, vì văn học nghệ thuật là nhu cầu hưởng thụ của toàn dân, trong đó có nhu cầu cao của đảng nữa.
23 năm trước, TBT Nguyễn Văn Linh trong 2 ngày gặp gỡ văn nghệ sĩ đã rút ra một bài học thực tế hạn chế sự sáng tạo của văn nghệ sĩ Việt Nam:
“Một là: sự lãnh đạo của Đảng trong nhiều năm qua đã đánh giá thấp vai trò vị trí của văn học nghệ thuật và của văn nghệ sĩ.
Hai là: chẳng những thế, sự lãnh đạo ấy còn thiếu dân chủ, trói buộc văn nghệ, nhiều khi độc đoán, sát phạt.
Ba là: cơ chế quản lý tổ chức không đúng, nhiều chính sách bất công, không chỉ làm cho đời sống các đồng chí khổ cực mà công việc của các đồng chí rất khó khăn, phức tạp”.
Hiện nay thực tế đó có đỡ hơn nhưng vẫn chưa khắc phục được như xã hội mong muốn. Vì thế mà tôn chỉ mục đích của Hội NVVN cần được làm rõ hơn nhằm hội tụ các văn tài của đất nước.
Theo tôi, Điều 2 của Điều lệ Hội nên rút lại ngắn gọn như sau:
“Điều 2. Tôn chỉ, mục đích của Hội
1. Hội Nhà văn Việt Nam (gọi tắt là Hội) là tổ chức xã hội – nghề nghiệp tự nguyện của các nhà văn Việt Nam (bao gồm những người sáng tác: thơ, văn xuôi, lý luận phê bình, dịch thuật văn học), hoạt động theo Hiến pháp và Pháp luật của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
2. Hội tôn trọng tự do tư tưởng, phong cách của mỗi nhà văn và khuyến khích mọi tìm tòi đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật, nhằm xây dựng nền văn học Việt Nam tiên tiến, vì nhân dân, vì Tổ quốc, vì hòa bình và hợp tác hữu nghị với các dân tộc trên thế giới.
(Nhập mục 3 vào mục 1 – tôn chỉ. Rút gọn bớt được hơn 1/3 số chữ). Với tôn chỉ, mục đích mở này, tin tưởng Hội sẽ thu hút được nhân tài văn chương của nước nhà mạnh mẽ hơn nữa.
Còn một số điểm khác trong Điều lệ cũng cần thay đổi cho phù hợp hơn với xu hướng thời đại mới. Nhưng tôi sẽ xin “tản mạn” ở một bài viết khác.
28-6-2010
Nguyễn Trọng Tạo
Dân
phải được quyền phúc quyết Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, chứ không
phải là Quốc hội - Tư duy mới của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An .
Nguyễn Quốc Minh (Theo Nguyễn Trọng Tạo.org) |
DONG Y! TON CHI HOI PHAI NGAN GON SUC TICH! TOI CHI XIN THEM 2 CHU SANG TAO SAU PHONG CACH!
Ý kiến bác Tạo thật sáng rõ. Hội Nhà Văn dù ở nước nào thì người ta cũng chỉ là một “hội nghề nghiệp” mà thôi. Nhà văn mà cứ lăm lăm làm chính trị thì dù có viết ra nghìn quyển cũng chẳng ma nào nó đọc. Nước ta toàn hô hào tiên tiến với hiên đại, hòa nhập với hòa giải, nhưng chỉ nói suông. Cứ chính trị giả dối như vậy thì khó mà vào được nghiệp đoàn nhà văn thế giới.
*
Cái sự mặc cả chính trị và tiền thật xấu hổ. Bài viết này đã chỉ ra rất đúng: “đảng và nhà nước nếu cùng vì sự phát triển của văn học nước nhà thì việc hỗ trợ kinh phí hoạt động Hội là điều đương nhiên, nó nằm trong sách lược phát triển văn hóa xã hội của đảng và nhà nước chứ không phải là một sự mặc cả”. Sao bọn chính trị không nghĩ được như bác Tạo nhỉ?
*
Nếu cứ buộc 2 chữ “chính trị” vào hội nhà văn thì hội nhà văn sẽ thành “Hội Văn Nô Việt Nam” và văn học VN sẽ thành một thứ văn học xu phụ bề trên, thì làm sao có tác phẩm đỉnh cao chói lọi cho nhân dân được?.
*
Các nhà văn nên dũng cảm hơn nữa, đừng tự trói mồm vào mấy miếng xương người ta ném xuống.
Theo tôi,mọi công dân dứng trước pháp luật đều bình đẳng.Mọi người đều phải “Sống và làm việc theo pháp luật”.
Theo tôi, Điều 2 của Điều lệ Hội nên rút lại ngắn gọn như sau:
“Điều 2. Tôn chỉ, mục đích của Hội
1. Hội Nhà văn Việt Nam (gọi tắt là Hội) là tổ chức Xã hội- Dân chủ – nghề nghiệp tự nguyện của Công dân Việt Nam (bao gồm những người sáng tác: thơ, văn xuôi, lý luận phê bình, dịch thuật văn học),sống và làm việc theo pháp luật”.
2. Hội tôn trọng tự do tư tưởng, phong cách của mỗi nhà văn và khuyến khích mọi tìm tòi đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật, nhằm xây dựng nền văn học Việt Nam tiên tiến, vì nhân dân, vì Tổ quốc, vì hòa bình và hợp tác hữu nghị với các dân tộc trên thế giới.
Hy vọng, các nhà văn Việt Nam lưu tâm đến bài viết : Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An trên trang mạng http://ngay-dem.com :
“Dân phải được quyền phúc quyết Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, chứ không phải là Quốc hội-Tư duy mới của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, để từ đó diều chỉnh Điều lệ hội cho phù hợp với thời đại Hội nhập Quốc tê.