NGHỊ ĐỊNH Số:
24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 04 năm 2012 VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VÀNG, có hiệu lực từ ngày 25/5/2012, điều 19 quy định "Hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng” là cấm : Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.
Thiết nghĩ, tham gia ý kiến phản biện sau đây là tiếng chuông báo động cho tình trạng quản lý yếu kém từ khi ông Nguyễn Văn Bình nhậm chức Thống đóc NHNN Việt Nam.
Trong cơ chế kinh tế thị trường, vàng luôn là thứ hàng hóa đặc biệt như tiền, có hai thuộc tính : phương tiện cất trữ và phương tiện thanh toán. Nếu một trong hai thuộc tính trên bị loại bỏ thì vàng không phải là vàng nữa mà nó trở thành một loại hàng hóa bình thường. Người dân cất trữ vàng hoặc sử dụng thanh toán với nhau vì nó là kim loại quý được quá trình lịch sử tiến hóa xã hội loài người trên cả Thế giới công nhận chứ không đơn thuần chỉ có Việt Nam.
Khi tiền giấy mất giá, lạm phát gia tăng thì người dân cất trữ vàng để hộ thân và thanh toán với nhau thay tiền giấy. Từ thời chưa có Ngân hàng, do tính chất lý tính “Lửa thử vàng” ít hao mòn, dễ chia nhỏ, vàng đã trở thành kim loại quý dùng để trao đổi hàng hóa khác.
Nhờ tiện ích và giá trị của Tiền giấy, người dân mới chuyển đổi hình thái cất trữ, thanh toán của vàng sang tiền giấy. Nhưng khi cảm thấy tiện ích và giá trị của Tiền giấy suy giảm do những tình huống bất khả kháng như chiến tranh, bão lụt, lạm phát cao, sức mua đồng tiền kém thì người dân chuyển ngay sang cất trữ vàng và thanh toán với nhau bằng vàng để tự cứu mình theo bản năng quyền sống.
Ở Việt Nam, do lạm phát cao thì chị bán rau, bà hàng xáo, anh xe ôm… hàng tháng có ky cóp được năm phân, nữa chỉ vàng thì người ta vẫn cất trữ. Đối với người giàu, thì người ta mua vàng miếng để cất trữ, thậm chí có người nấu ra đổ thành cân, thành khối để cất trữ. Trong giao dịch mua bán BĐS, người dân tính với nhau bằng chỉ, hay bằng lượng. Cứ 10 chỉ là một lượng hay gọi là "Vàng miếng".
Với nghị định 24 do Thống đốc NHNN soạn thảo được Chính phủ ký ban hành lại nghiêm cấm "Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán". Đây là sự cố tình phi thuộc tính vàng bằng pháp lệnh
Điều mà NHNN Việt Nam ngây ngô muốn nghiêm cấm "Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán" là để số vàng tích trữ quá lớn hiện nay trong dân không tồn tại nữa mà chạy ra lưu thông chui vào Ngân hàng làm tăng nguồn vốn. Đó là ảo tưởng. Bởi một lẽ Việt Nam đang vận hành nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế Thế giới và vàng vẫn muôn thuở luôn tồn tại hai thuộc tính phương tiện cất trữ và phương tiện thanh toán .
Bằng biện pháp hành chính, bằng mệnh lệnh như nghị định 24 không chỉ không hạn chế mà còn không thể cấm người dân thanh toán với nhau bằng thứ hàng hóa quý đó là vàng, khi tiền giấy mất giá, lạm phát tăng cao, sức mua VND thấp. Cuộc sống luôn có rủi ro rình rập, dù cho lạm phát xuống thấp, sức mua tiền giấy cao lên thì không ít người dân vẫn sử dụng vàng làm phương tiện cất trữ và phương tiện thanh toán.
Một khối lượng vàng rất lớn đang được người dân găm giữ không tài nào ngân hàng huy động làm nguồn vốn được, bởi lẽ do tác động từ những quy định của Luật dân sự về thừa kế tài sản làm cho người gửi không may gặp rủi ro thì khó bề rút ra được từ ngân hàng. Thân nhân của những người không may gặp rủi ro, tuy có một khoản tiền lớn gửi tại ngân hàng, nhưng chạy ngược, chạy xuôi, giải quyết hàng loạt về thủ tục thừa kế bên nội, bên ngoại, thanh toán nợ nần, đủ thủ tục hành chính may ra mới rút tiền, vàng được. Trong khi, người ta chỉ cất trử vàng, đụng sự là bán đi hay chuyển đổi thành tài sản khác một cách thuận tiện chả mất mát phiền hà gì.
Chỉ khi nào tiền tệ Việt Nam ổn định, lạm phát thấp, sức mua của VND cao, tiền giấy hoặc vàng gửi vào ngân hàng rút ra dễ dàng kể cả những người gặp rủi ro, thì người dân chẳng dại gì mà cất trữ vàng hay thanh toán với nhau bằng vàng, thậm chí họ gửi Ngân hàng hay đầu tư vào các kênh khác để sinh lợi hơn.
Nghịch lý của quy định độc quyền kinh doanh vàng miếng và các chỉ thị “Trần lãi suất huy động” chỉ đem lại cho nhóm lợi ích Ngân hàng một khoản thu nhập “Khủng” hiện tại, nhưng đã và đang gây hậu họa tại hại cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, rồi lại tiếp tục gia tăng môi trường kinh doanh của NHTM xấu đi, quất mạnh vào hệ thống Ngân hàng, làm cho một số NHTM bị xóa sổ là không thể tránh khỏi.
Trong năm 2011 có trên 50.000 doanh nghiệp phá sản. Tháng 1/2012 lại có thêm 19.000 doanh nghiệp không hoạt động. Trong lúc tính thanh khoản của Ngân hàng không có, thì Ngân hàng Nhà nước lại ra quy định tốc độ tăng trưởng bằng hạn mức tín dụng phân ra 4 nhóm trong đó nhóm cao là 17 % . Trong khi đó, hiệu quả kinh doanh của NHTM là số vòng quay vốn thì NHNN không coi trọng.
Thế rồi, liên tiếp mấy tháng trong cuối năm 2011 và các tháng đầu năm 2012, các NHTM rơi vào thế tín dụng tăng trưởng âm. Không ít ngân hàng dư thừa vốn, hô hào giảm lãi suất cho vay, nhưng doanh nghiệp khó bề tiếp cận bởi ngân hàng không dại gì cho vay đối với hàng loạt đang bên bờ vực phá sản. Bóng bóng BĐS thực sự đã nổ tung mà không ai dám nói tới. Nợ xấu của các NHTM về cho vay BĐS đã rất khủng. Các nhà đầu cơ BĐS đang chết đứng. Hàng loạt dự án các khu biệt thự, các khu chung cư cao cấp để cho rắn chuột rêu cỏ bao phủ trong khi người dân thực sự muốn có căn hộ để ở thì không bao giờ mua được với giá cao chót vót.
Tổng quát của Nghị định 24 làm cho mỗi bất kỳ ai cũng nhìn nhận được là loại bỏ dần kinh doanh vàng tư nhân hoặc nhóm nhỏ để chuyển sang kinh doanh của nhóm lớn dễ bề cho NHNN trong khâu quản lý.
Nhưng, tính quy luật khách quan thực tế nền kinh tế thị trường hàng hóa trong xu thế toàn cầu làm cho ý đồ đó không chỉ không thực hiện được mà còn vô hiệu hóa Nghị định 24 trong nay mai.Bất cứ cái gì cũng có mặt trái của nó. Nghị định cũng vậy, do một một nhóm người soạn thảo. Mặt trái của nghị định 24 này là kìm hãm sự phát triển của nền sản xuất hàng hóa và gây thất thu rất lớn cho Ngân sách Nhà nước về khoản thuế từ các chủ thể đã được phép kinh doanh vàng bao lâu nay, cũng như sự ra đời của các tiệm vàng nay mai.
Hậu quả của Nghị định 24 là hàng loạt Tiệm vàng sẽ phải đóng cửa. Thất thiệt của người dân khi vội vàng hoán đổi từ thương hiệu vàng này sang thương hiệu vàng khác là không nhỏ. Dĩ nhiên các tiệm vàng không đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng theo Nghị định 24 sẽ buộc họ "kinh doanh chui" vàng miếng. Thực tế đó là khách quan. Và từ sự kinh doanh chui này, một thế lực "Đen tối" bảo kê, áp phe, côn đồ, móc nối nở rộ. Hậu quả Ngân sách nhà nước thất thu vô cùng lớn từ khoản thuế từ kinh doanh vàng miếng của các tiệm vàng "Trang sức" bề ngoài, nhưng lúc nào cũng có các loại vàng miếng của các thương hiệu khác nhau.Và từ đây, tiêu cực xã hội do cấm kinh doanh vàng miếng tại các tiệm vàng "Trang sức" không ngừng bùng phát . Bởi vậy, cấm kinh doanh vàng miếng đối với các tiệm vàng nhỏ, không chỉ không cấm được mà còn thức đẩy mạnh tiêu cực xã hội gia tăng.
Việc xóa tên thương hiệu SJC đang có thị phần 90% bằng biện pháp hành chính, pháp lệnh thì dễ, nhưng hậu họa tổn thất cho nền kinh tế và xã hội Việt Nam là vô cùng lớn.
Ý đồ trám tên SBV ((SBV là tên viết tắt tiếng Anh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - State Bank of Vietnam) lên thương hiệu SJC của ông Thống đốc Nguyễn Văn Bình là sự thay đổi hình thức, không chỉ gây bất ổn cho xã hội Việt Nam mà còn không thể thực hiện được, bởi vì bản chất của thương hiệu SBV không thể đồng nhất với SJC và Ngân hàng nhà nước chỉ là cơ quan phát hành Tiện tệ, quản lý vàng chứ không phải là doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Việc nghiêm cấm các tiệm vàng không đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng và cấm "Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán" không chỉ là ảo tưởng mà còn thúc ép buộc người dân mua bán và thanh toán “Chui”. Sự thiệt thòi của người dân Việt Nam đang sử dụng vàng miếng là không nhỏ trong khi đó lợi ích nhóm Ngân hàng là vô cùng lớn, còn Ngân sách thất thu về các khoản thuế từ lĩnh vực kinh doanh vàng là cực kỳ lớn và sự tiêu cực xã hội sẽ gia tăng . Cái giá của sự đi ngược nền kinh tế thị trường gây hậu họa cho xã hội Việt Nam là không hề nhỏ.
Bỏ trần lãi suất, bỏ đi sự phân biệt 4 nhóm tăng trưởng tốc độ tín dụng và để cho các tiệm vàng kinh doanh hoạt động bình thường, vàng thực sự trở về nguyên vẹn bản chất của nó là phương tiện cất trữ và phương tiện thanh toán bằng sự tự điều tiết của quy luật Thị trường hàng hóa tự do cạnh tranh, thông qua chính sách “Dự trữ bắt buộc” và chính sách Thuế của Nhà nước là giải pháp tối ưu, bền vững để phát triển nền kinh tê thị trường Việt Nam vững chắc.
06/4/2012
Nguyễn Quốc Minh
(Nguyên chuyên viên cao cấp Ngân hàng)
TIN LIÊN QUAN CÙNG TÁC GIẢ:
Nghịch
lý về quy định độc quyền “Vàng miếng SJC” và Chỉ thị 02 về Trần lãi
suất huy động 14%/năm của ông Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình. [18.12.2011 02:14] Cấm kinh doanh vàng miếng là sự ngu xuẩn cực độ ? [08.03.2011 03:42]