Lượt truy cập 
 Đang online 001
 Tổng số : 007444409
 
Tin tức » Thơ - Văn Bạn Bè » Ngô Minh Hôm nay là :
Những sự lạ trong làng thơ Việt . CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT NGUYỄN TRỌNG TẠO…-Tác giả Ngô Minh
05.11.2008 08:36

A di đà phật
A di đà phật
Tôi vẫn hằng tin rằng thơ là rượu. Có người nghiện rượu thì cũng có người nghiện thơ. Thấy thơ là say như điếu đổ, như người dân quê tôi say hát giã gạo: "Đêm khuya nghe tiếng chày khắc cối. Bạt gia đình ra đi..." Nhiều người đẹp vì mê thơ, say thơ mà mê luôn người làm thơ, dù nhà thơ đều nghèo kiết xác.

CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT NGUYỄN TRỌNG TẠO…>>>


Những sự lạ trong làng thơ Việt

Người viết: Ngô Minh 

     17/10/2007

        ngồi buồn đốt một đống rơm
        khói lên nghi ngút chẳng thơm chút nào
        khói lên đến tận Thiên Tào
        Ngọc Hoàng phán hỏi: Thằng nào đốt rơm?

                            (thơ dân gian)
Rượu và hoa
 
Tôi vẫn hằng tin rằng thơ là rượu. Có người nghiện rượu thì cũng có người nghiện thơ. Thấy thơ là say như điếu đổ, như người dân quê tôi say hát giã gạo: "Đêm khuya nghe tiếng chày khắc cối. Bạt gia đình ra đi..." Nhiều người đẹp vì mê thơ, say thơ mà mê luôn người làm thơ, dù nhà thơ đều nghèo kiết xác. Rượu thì từ cổ xưa đến giờ vẫn rượu ấy, men ấy. Say cho đến tận cõi chân tâm! Rượu ta, rượu Tây vẫn là rượu ấy, khó nhầm! Tôi cũng hằng tin thơ là hoa, hương hoa. Như cây cỏ, mỗi hồn người khai nở một hương sắc riêng chẳng giống nhau bao giờ. Nhưng tất cả vẫn là hoa ấy! Đã rượu thì có rượu nặng rượu nhẹ, có rượu gạo, rượu vang, rượu whisky, rum... Đã hoa tất có hoa dại, hoa lai giống, hoa ghép cành nở muôn hồng nghìn tía. Lai giống ghép cành tạo ra hoa ấy, những bông hoa lớn hơn, hương sắc quyến rũ hơn. Nhưng vẫn là hoa ấy, cái đẹp vĩnh cửu ấy!
 
Cái sự rượu và hoa ấy thật tự nhiên. Thơ cũng vậy. Có thơ cổ, thơ mới, thơ ta, thơ Tây, lại có thơ do lai giống mà thành. Đã là lai tạo tất có tốt có xấu, có thất bại, có thành công. Thơ Mới (1932 - 1945) là đứa con xinh đẹp, quyến rũ của sự lai tạo lớn giữa thi nhân Việt với nền thơ Pháp thế kỷ XIX. Thơ Mới lên ngôi thống soái thi đàn Việt, ngoài cái mới, cái lạ, cái hay nhiều người đã bàn đã nói, nó còn chứng tỏ một điều thật hệ trọng ít người để ý: Có sự đồng điệu lớn trong hồn thơ ta và thơ Tây! Ấy là sự gặp gỡ của Con-Người-Cá-Thể-Nhân-Loại!
 
Thơ Mới rồi cũng cũ đi, vì con người luôn luôn đi tìm chính mình ở phía trước. Ở phương Tây, ngay các nhà thơ Việt Nam vừa tiếp cận với nền thơ lãng mạn Pháp, thì có nhóm thơ đã từ bỏ loại thơ sụt sùi, sướt mướt này để tìm đến những cách tân trong thơ. Thơ họ dồn nén hơn, thực hơn, mạnh bạo và trần trụi hơn. Cho nên, sau Thơ Mới, có thể sẽ có một cuộc lai giống thơ lần nữa, làm cho thơ Việt mới hơn, hợp thời, hợp người hơn chăng?
 
Việc đề xướng loại thơ không vần những năm 50 mà đại biểu là Nguyễn Đình Thi, Trần Dần, sự táo tợn và mạnh bạo trong ngôn từ và cấu trúc trong thơ Thanh Tâm Tuyền ở miền Nam những năm 60 đều gây dị ứng đối với nhiều người làm thơ, kể cả các nhà thơ tiền chiến mà trước đó trên chục năm họ là lớp tiên phong bảo vệ, hô hào đổi mới trong thơ. Những năm gần đây Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng, Văn Cầm Hải, Ly Hoàng Ly, Vi Thuỳ Linh v.v... đều là những người tiên phong trong trong lao động chữ thơ, cấu trúc câu thơ. Tuy nhiên, nhiều nhà thơ, nhiều tập thơ có cách biểu hiện lạ hoặc mạnh bạo, trần trụi hoặc đi vào những khu vực mới của tâm trạng... bị nhiều người đời chê bai. Có tập bị "đánh" tới tấp. Một số tờ báo gọi loại thơ này là "lai căng", "thơ dịch", "thơ bí hiểm", "hũ nút", thậm chí không ngại dùng đến các từ "bệnh hoạn", "dâm ô", "thơ tục"... Rồi bị "rút phép thông công", bị xay bột... Hình như đang có một sự "độc quyền" trong in ấn, thưởng thức thơ. Đến nỗi có nhóm thơ phải tự in thơ mình bằng vi tính rồi đi tặng người đọc. Sao chúng ta không bình tĩnh, công bằng, độ lượng hơn với những tìm tòi, thể nghiệm như thế? Sự ra đời của Thơ Mới 60 năm trước không là bài học nhỡn tiền rất quý hay sao? Tôi thấy rất lạ, rất lạ !
 
Một và tất cả
 
Đọc lại tuyển tập Những gương mặt thơ mới gồm 2 tập (NXB Thanh Niên, 1994) tôi chợt phát hiện ra một sự lạ lý thú. Hai tuyển tập với 1000 trang in thơ và phát biểu của 173 tác giả (chưa là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nên mới gọi là gương mặt mới). Trong phần tự bạch, hai phần ba số tác giả (trên 100 người) cho rằng thơ hiện nay là "lạm phát", "dở", "thơ in báo nhiều nhưng không khác gì hàng nội hóa ế ẩm". Có người ví thơ hiện nay như "mì ăn liền", "thơ thông tấn", "thơ dỏm". Thậm chí có một số tác giả trẻ chưa từng có tên trên thi đàn bao giờ, nay được tuyển vào tập thơ cũng lớn tiếng chê thơ hôm nay! Sau khi "phán xét" nền thơ chung, tất cả các "gương mặt thơ mới" ấy đều khẳng định rằng họ cố gắng để có được tiếng thơ "đích thực". Có nghĩa là cái nền thơ thì dở, chỉ duy nhất họ là "chân thơ", có nghĩa là "trừ họ ra", tất cả đều xoàng cả ! Đó mới là sự "lạ lùng quá, lạ lùng không chịu nổi!" (bắt chước Olga Bergholz).
 
Ôi, có được một hai tác giả thơ "đích thực", "chân thơ" như thế thật là diễm phúc cho nền thi ca Việt Nam! Nhưng đọc cả trăm nhà thơ ai cũng lớn tiếng "chê" thơ chung và tự nhận mình là thơ đích thực ấy, tôi mới té ngửa ra rằng: Ở xứ ta tất cả các nhà thơ đều dở, trừ một người, đó là người đang "phán xét thơ"! Nhưng oái ăm thay, cả nhà thơ duy nhất đó lại bị 99 nhà thơ khác xếp vào loại thơ "dỏm"! Có nghĩa rằng các nhà thơ Việt Nam ta tất cả đều "siêu thơ", thật thơ và tất cả đều "thơ mì ăn liền", "ế ẩm". Lạ lùng nhất là vừa qua, một tổ chức có tên là Trung tâm Văn hoá Doanh nhân không liên quan gì đến thơ cả, cũng đứng ra tổ chức bình chọn "100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX" (có lẽ để đánh quả thương hiệu?). Và kết quả công bố danh sách 100 bài, thì nhiều nhà thơ, kể cả người trong ban tuyển chọn, tuyên bố là "chỉ có 50%, thậm chí chỉ 30 bài là hay thực sự". Có nhiều người do mối quan hệ "có đi có lại" mà chọn bài của họ, nên không phải là thơ hay mà là thơ trung bình yếu. Ấy là thơ Việt đang có vấn đề. Tôi thực sự hoang mang khi sự lạ lùng buồn cười nói trên có cả trên những trang "thảo luận về thơ" trên báo Văn nghệ thời gian vừa qua. Nhà thơ nào cũng phán quyết, chê bai thơ hiện nay, trừ anh ta ra! Cái tương quan "một và tất cả" này xin các nhà thơ lý giải giùm cho! Biết tin ai đây !
 
Thơ và giải thưởng
 
Nhìn lại phần thế kỷ 20 và 7 năm đầu thế kỷ XXI đã qua, chưa bao giờ ở nước ta lại nhiều cuộc thi thơ, nhiều giải thưởng thơ như vài chục năm lại đây. Báo trung ương thi thơ, báo địa phương cũng thi thơ, báo Tiền Phong thi thơ, báo Phụ Nữ cũng thi thơ. Quân đội thi thơ, dân sự thi thơ, các ngành các giới thi thơ. Ngành công an thi thơ, ngành pháp luật thi thơ, ngành sinh đẻ có kế hoạch cũng thi thơ v.v... Cứ như thơ là thuốc chữa bách bệnh vậy. Đã thi là có giải thưởng. Lại có loại giải thưởng định kỳ 5 năm như Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước; rồi giải thưởng hàng năm như giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam; giải thưởng văn học miền núi, giải thưởng văn học thiếu nhi, "văn học công nhân" (!), "văn học công an" v.v... Năm rồi lại có giải thưởng của Uỷ ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao cho các tác phẩm "xuất sắc" của các hội viên địa phương (?). Bây giờ thơ đều do các tác giả tự bỏ vốn in, nên chỉ in 500 bản tặng bạn bè. Cho nên thơ ở Hà Nội thì Hà Nội đọc, thơ ở Sài Gòn thì Sài Gòn đọc. Vì thế mà thơ các tác giả ở tỉnh lẻ, dù hay đến mấy, cũng không bao giờ được các nhà thẩm định thơ của Hội Nhà văn dòm ngó đến! Vì thế, nên trung ương có giải thưởng văn học, các tỉnh cũng phải sinh ra giải thưởng văn học của tỉnh. Ví dụ giải thưởng văn học Hùng Vương của Vĩnh Phú, giải thưởng Văn học Cố Đô của Thừa Thiên-Huế, Nguyễn Du của Hà Tĩnh, Hạ Long của Quảng Ninh, giải thưởng Lưu Trọng Lư của Quảng Bình, Đào Tấn của Bình Định v.v... Có thể nói không ai thống kê hết các giải thưởng văn học nghệ thuật, giải thưởng thơ mấy năm qua. Như vậy thơ được thẩm định, được bình giá, được xếp đặt ngôi thứ liên tục và các nhà thơ được giải cũng nhiều không kể xiết, có người giành được một lúc nhiều giải thưởng!
 
Ở địa phương nọ, tôi thấy trong mấy năm qua có chục anh chị làm thơ, lần lượt người nào cũng được giải thưởng không cuộc thi này thì cuộc chấm khác. Thế là cuối cùng thơ của ai cũng đương nhiên thuộc vào loại "thơ được giải" (tức thơ hay)! Nhìn rộng ra cả nước cũng vậy, trong chục năm qua có tới ba phần tư số hội viên thơ của Hội Nhà văn Việt Nam đã được lên ngôi do giành được các giải thưởng về thơ ở trung ương, địa phương, các cấp, các ngành, các báo... Đương nhiên cuộc thi thơ nào cũng "rất" công tâm và "vì nghệ thuật"! Cũng cần nói thêm là nhiều loại giải thưởng văn học (trong đó có thơ) như thế cũng phát triển với kinh tế thị trường. Giá trị vật chất các giải thưởng thơ ngày càng "đậm đà" hơn. Từ 2 triệu, 5 triệu một giải nhất cách đây 3 năm nay đã lên tới 10, 15, 20 triệu! Hàng tốt thì giá phải cao chứ! Như vậy là thơ ta đang phát triển. Cứ nhìn vào đội ngũ trùng điệp các nhà thơ nhận được giải thưởng của xứ ta ai dám bảo thơ không phát triển?
 
Ấy thế mà lạ lùng thay, nhà thơ, nhà phê bình nào cũng kêu ca, la ó về một nền thơ làng nhàng, chỉ biết "ăn theo" trên các trang báo. Có điều gì bất ổn, chính xác hơn là sai lạc ít nhất là một trong hai phía: Các nhà chấm giải và các nhà phê bình, phán xét thơ. Còn bản thân thơ thì cố nhiên nó vẫn thế, chưa có cuộc cách mạng thực sự nào từ Thơ Mới đến nay. Biết ai đúng ai sai mà phân xử đây? Khó thật, lạ thật!
 
Ai là "nhà thơ" ?
 
Nhà thơ hiểu nghĩa của công việc là người làm thơ (Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội năm 1977 định nghĩa nhà thơ "là người chuyên sáng tạo văn có vần để biểu thị hoặc gợi mở tình cảm bằng âm thanh, nhịp điệu, hình tượng"), tức cũng như nhà nông là người làm ruộng, nhà giáo là người dạy học. Ấy là cách gọi tên theo công việc làm. Cái danh xưng nhà nông ấy không hề có các thứ bậc kèm theo như "nhà nông trung ương", "nhà nông địa phương", "nhà nông trẻ", "nhà nông già"... bao giờ cả! Nhà nông ít chữ nghĩa, nhưng họ lại hiểu rất đúng nghĩa chữ "nhà nông" của mình, còn các nhà văn thì sao? Xin thưa đây là sự lạ! Nhà thơ Việt Nam ta có thứ bậc hẳn hoi: "nhà thơ trung ương", "nhà thơ địa phương", "nhà thơ trẻ", "những gương mặt thơ mới" v.v... Tất cả đều được xếp ghế, xếp chiếu rất cẩn trọng như các loại cấp bậc nhà binh hay học hàm học vị trong khoa học. Do sự xếp ghế, xếp chiếu ấy mà "các nhà thơ trung ương" có cách ăn nói, phán xét theo một thứ ngôn ngữ riêng phù hợp với "địa vị cao" của mình. Từ đó sinh ra một cuộc chạy đua vào Hội Nhà văn Việt Nam. Không phải chạy bằng thơ hay, văn tốt, mà chạy bằng tiền, quà cáp, nhậu nhẹt, bằng vận động đồng hương, bạn bè, thân quen. Cứ đến những ngày Hội đồng thơ, Ban chấp hành Hội Nhà văn họp bỏ phiếu kết nạp hội viên mới là tin tức náo loạn giới cầm bút, những cú điện thoại tới tập gửi tới các thành viên hội đồng. Một nhà thơ sau cuộc "chạy chí chết" ấy, vào được Hội Nhà văn rồi, thở phào nói với tôi: "Thế là em toại nguyện rồi. Bây giờ thì chả cần viết lách gì nữa!". Sự lạ ấy ai cũng biết từ rất nhiều năm nay nhưng ai cũng tuân thủ, không có ý kiến khác. Buồn hơn là không ai ngạc nhiên với điều đó cả!
 
Lạ lùng hơn nữa là có một qui định không thành văn nào đó, không hiểu xuất phát từ ông "quan thơ" nào, người ta chỉ gọi những người làm thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay là NHÀ THƠ, còn những người làm thơ khác đều không được gọi như thế, mà khi cần phải giới thiệu với công chúng thì họ bị gọi là "tác giả thơ", hoặc "người làm thơ trẻ"! Xin nêu một ví dụ sốt dẻo nhất. Trong tuyển tập 2 tập ngàn trang mà tôi nhắc tới ở trên, nhà xuất bản và người tuyển chọn đã xếp các nhà thơ có tên tuổi ở miền Nam (cũ) như Bùi Giáng, Nguyên Sa, Du Tử Lê, Tuệ Mai... vào Những gương mặt thơ mới, tức là lớp thơ "đàn em", mới phát hiện ra hay mới xuất hiện! Thực ra các ông Bùi Giáng, Nguyên Sa, Du Tử Lê... đã là nhà thơ nổi tiếng lừng lững trong những năm 60 của thế kỷ, khi mà nhiều nhà thơ Việt Nam (Tức Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) chưa biết thơ là gì. Thậm chí rất nhiều người đến nay cũng không thể sánh được với sự nổi tiếng của các nhà thơ miền Nam cũ đó! Tôi là một người làm thơ đi học và trưởng thành ở miền Bắc cũng thuộc được đôi bài của Bùi Giáng, Nguyên Sa... từ mấy chục năm trước, sao lại gọi là "gương mặt thơ mới"? Có phải vì các ông ấy không là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam? Lạ thật! Lạ thật! Một điều lạ lùng nữa là THƠ VIỆT, NHÀ THƠ VIỆT NAM, nhưng chỉ có những "nhà thơ nhà nước", "nhà thơ quốc doanh" ăn lương cách mạng; còn hàng trăm hàng ngàn nhà thơ Việt ở miền Nam cũ, hay đang ở hải ngoại thì không được liệt vào đội ngũ nhà thơ Việt. Cái sự phân biệt đó thể hiện trong việc tham gia các tuyển tập thơ, hay tham gia xét giải thưởng về thơ hay văn chương Việt. Chúng ta đang tự làm bé mình đi, làm yếu mình đi. Gần đây trên Tạp chí Thơ hay một số tuyển tập do nhà nước xuất bản có khắc phục chuyện phân biệt đối xử này, như in thơ Thanh Tâm Tuyền và một số tác giả khác. Nhưng chưa có một văn bản chính thức nào của các cơ quan quản lý văn hoá về việc xem xét những nhà văn ở miền Nam trước năm 1975 và ở hải ngoại để mời họ về lại trong đội ngũ nhà văn, nhà thơ Việt Nam. Chúng ta hô hào đoàn kết, hoà giải dân tộc, hướng đến tương lai, nhưng đó mới là khẩu hiệu, mà chưa được tổ thức thực hiện một cách riết róng. 32 năm Thống Nhất Tổ Quốc rồi, không làm được việc ấy là một sự lạ lùng đáng xấu hổ!
 
Thảo luận gì ?
 
Có ai đó thống kê rằng, ở xứ ta mỗi ngày bình quân có hai tập thơ được ấn hành. Có nghĩa là mỗi năm khiêm tốn cũng có tới 700 tập thơ ra đời. Đó là chưa kể thơ in trên sáu trăm tờ báo và tạp chí trong nước, thơ của người Việt ở hải ngoại. Nhiều người gọi thời kỳ này là "Giai đoạn bùng nổ thơ". Có người lại lo rằng "thơ bị lạm phát", bị xuống giá. Có người lại mừng: có "bó đũa ắt có cột cờ"! Người già trong làng thơ (hoặc đang có nguy cơ hết khả năng sáng tạo thơ) thì ca cẩm: thơ lớp trẻ thiếu vốn sống, thiếu chiều sâu tâm thức và sự điềm đạm, thiên về xảo thuật chữ, ngoa ngôn! Lớp trẻ lại ngán lớp thơ già cứ giữ mãi điệu "ru em" vần vè ê a cũ, cứ như đặt lời mới cho làn điệu dân ca đã có sẵn từ ngàn năm! Thế là thảo luận, tranh luận. Thế là sừng sộ, đao búa chan chát. Cuộc chiến không có hồi kết trên các mặt báo.
 
Trong lúc đó một hiện tượng lạ xuất hiện trong thơ mấy năm gần đây lại rất ít nhà phê bình, chú ý phân tích. Đó là sự trở lại của thơ tình kiểu "tiền chiến". Buồn chán, ủ ê, đau khổ, tuyệt vọng, sướt mướt. Loại thơ tình (nam nữ) này chiếm hơn hai phần ba số thơ ấn hành hàng ngày. Những người đang yêu làm thơ tình đã đành, những người không có mảnh tình rách cũng làm thơ tình! Đến cả các nhà thơ già lớp chống Pháp, các nhà thơ "tiền chiến" bảy tám chục tuổi cũng trở lại với thơ tình! Phải chăng chúng ta đang ở xứ sở của tình yêu? Tôi không phản đối thơ tình. Nhiều thơ tình càng tốt chứ sao! Nhưng tôi thấy lạ là những bài thơ thể hiện thiên chức công dân của nhà thơ, những bài thơ chiến đấu cho sự công bằng xã hội, cho một xã hội dân chủ - tự do, thơ chia sẻ số phận đắng cay của người lao động trước sự áp bức của bất công và cường quyền của quan tham, quan liêu, những bài thơ thế thái nhân tình... từng nở rộ trong những năm đầu đổi mới, mở cửa, bây giờ thấy thưa vắng, hiếm hoi dần đi.
 
Vì sao vậy? Có phải là các nhà thơ Việt Nam không tiếp cận được với xã hội thời kinh tế thị trường đang phân cực quyết liệt, nhiều nguy cơ mới đe doạ nhân phẩm và đạo lý đang xuất hiện và tác oai tác quái? Có phải các nhà thơ đã hèn kém đi, ích kỷ hơn, hay tại môi trường sáng tạo đã đổi khác? Xin mạo muội đặt một câu hỏi lớn ở đây để các nhà lý luận, phê bình, các nhà thơ cùng nhau thảo luận.
 
Hãy thảo luận điều gì làm cho thơ có ích với đời, với những phận người, với chính sự bùng cháy kỳ diệu của Thi Ca Tự Do!
 
                                                                        Huế, 1994-2007
 
                                                                           NGÔ MINH
© 2007 talawas


CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT NGUYỄN TRỌNG TẠO…

Nguyễn Trọng Tạo là một thương hiệu đa năng hấp dẫn suốt mấy chục năm nay. Đó là thương hiệu thơ với hàng chục tập thơ ấn tượng, có rất nhiều câu thơ tài hoa ai cũng nhớ: Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời thật không dễ dàng chi… Mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ/ Mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió… Sông Hương hoá rượu ta đến uống / Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say… Bạn bè ở Huế thương nhau thiệt/ Một đứa vợ la chục đứa kinh…Tin thì tin không tin thì thôi… Thương hiệu nhạc với những bài hát nổi tiếng cả nước: Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang…  mà không ít nhạc sĩ thèm thuồng. Thương hiệu hoạ với hàng trăm cái bìa sách lạ lùng, hiện đại, trong đó có mấy cái được giải bìa sách đẹp. Thương hiệu “tửu” với những cuộc uống thâm đêm thâm ngày. Nhạc sĩ Ngọc Đại từng chứng kiến Tạo uống có cuộc 25 tiếng đồng hồ. Uống đến mức Gặp nhau là nhớ mùi rượu Hiếu/ Mưa nắng sá gì dốc Phú Cam... Đã có nhiều học giả, nhà văn nổi tiếng viết về Nguyễn Trọng Tạo như Hoàng Cầm, Vũ Cao, Hoàng Ngọc Hiến, Hoàng Phủ Ngọc Tường,… Tôi chỉ xin lan man đôi chuyện đời thường đằng sau cái thương hiệu Nguyễn Trọng Tạo để bạn đọc hiểu thêm về con người tài hoa mà gần gũi này. Những câu chuyện đã kết thành hạt trong lòng tôi…



Ngô Minh & Nguyễn Trọng Tạo
Năm 1978, báo Nhân Dân tổ chức chọn thơ hay viết sau ngày giải phóng miền Nam. Kết quả có 16 bài thơ của 16 tác giả được tặng thưởng trong đó có bài thơ “Làng có một ngày như thế” của Nguyễn Trọng Tạo và bài “ Nón bài thơ và hương đất cao nguyên” của tôi.  Tôi quen biết Nguyễn Trọng tạo từ đó. Mùa đông năm 1985, Nguyễn Trọng Tạo vô Huế chơi. Anh ở trọ tại nhà tôi ở lưng chừng dốc Bến Ngự. Vợ tôi  phát hiện ra cái áo pi-ra-két anh lâu ngày không dặt, cứ bốc mùi “thơm” khắp nhà. Hình như suốt mùa rét chưa được giặt thì phải. Thế là vợ tôi bắt Tạo thay quần áo để ngâm giặt. Một bộ quần áo mà Minh Tâm giặt hết cả một bánh xà phòng loại 72% của Liên Xô rất cứng thuở đó, mà vắt vẫn ra nước đục. Khiếp thật. Những ngày đó tôi và Tạo đạp xe chở nhau đi uống rượu đàm đạo thi ca suốt ngày với  bạn bè. Trong một cuộc rượu tại nhà Mai Văn Hoan, Nguyễn Trọng Tạo đã “dính” một cô giáo Huế và đã sống ở Huế hơn 10 năm, sinh được hai đứa con thông minh, kháu khỉnh và viết được rất nhiều  bài thơ, bản nhạc hay.

Những năm Tạo ở Huế, buổi sáng bao giờ cũng chén  một tô cơm nguội đầy ụ có con cá nục kho gác ngang và một tô canh rau. Trông như ăn để đi cày. Tôi  hỏi sao không ăn phở, bún, cháo, nghĩa là những thứ “nóng nóng nước nước” theo cách gọi của Phùng Quán. Tạo bảo ăn cơm cho chắc bụng để nhỡ phải uống cả ngày, đề phòng say. Tôi ngồi viết ở nhà, khoảng mười giờ sáng nghe tiếng xe máy Simsơn vè vè lên dốc, biết ngay Tạo chưa uống ở đâu. Thế là lục tủ lấy chai quốc lủi, rồi điện gọi Hoàng Phủ hay Mai Văn Hoan… Thế là cuộc nhậu kéo đến chiều, vợ tôi lại phải mua thêm rượu, tiếp thêm đồ mồi. Uống với Tạo tốn thời gian lắm. Ai muốn chuồn trước cũng rất khó. Nhưng Tạo ra Hà Nội rồi thì lại nhớ, lại thèm những cuộc say sang mùa…

Uống rượu thơ phú ngất ngưỡng cả ngày, nhưng Tạo là người chăm lo gia đình  lắm. Hồi đi Đại hội Hội Nhà văn lần V, khi  Đại hội xong , Tạo ở lại Hà Nội uống rượu tiếp, gửi tôi mang về cho vợ một thùng quà nặng. Tôi ì ạch khuân lên xe, khuân xuống xe mà không biết thứ gì trong ấy. Khi vợ anh mở ra mới hay một thùng đầy bát, đĩa, tô sứ Trung Quốc và quần áo đủ kiểu. Đó là món hàng rất mốt thời ấy. Trời đất ơi, cái lão này tưởng lơ ngơ say xỉn hoá ra lo lắng chuyện gia đình giỏi thiệt. “Lão” làm được cái việc mà vợ tôi nhắc mấy lần  tôi đều quên. Là người lính nên Nguyễn Trọng Tạo nấu ăn rất sành điệu (Chỉ có pha tiết canh  lợn là phải điện thoại nhờ Ngô Minh). Tạo băm chặt, xào nấu, pha nước  chấm, dọn mâm… như một người nội trợ thực thụ.  Loáng một cái đã có mâm đồ mồi thịnh soạn bưng lên cho bạn bè nhậu. Ở một mình trên tầng 6 khu chung cư ở Hà Nội, có khách, Tạo cũng xách đồ từ chợ về nấu nướng, ít khi  đãi khách ở quán cơm ngoài phố vì như thế không thân tình. Vì chợ sát nhà nên các  bà bán thực phẩm dưới  phố ai cũng quen biết Tạo. Tôi ra Hà Nội, đến  khu chung cư chưa cần hỏi thăm, mọi người đã chỉ dẫn lối lên nhà Nguyễn Trọng Tạo rất tận tình. Hồi ở Huế có phong trào nuôi cá trê phi, Tạo xây một cái bể lớn, thả ngàn con cá không để làm “kinh tế” mà để nhậu. Nhưng mới hai tháng rưỡi, cá chưa kịp lớn Tạo đã câu để làm mồi đãi bạn. Câu nhiều quá, cá nó sợ không dám lớn, không dám cắn câu nữa. Bạn nhậu đã đến mà cá chưa câu được con nào. Lão tức khí trổ lù cho nước thoát để bắt cá. Mới mấy tháng mà hết sạch bể trê phi!…

Tạo nuôi con gái lớn học đại học ở Hà Nội. Con học xong  lo việc làm cho con, rồi lo cưới chồng cho nó, góp tiền cho vợ chồng con mua nhà chung cư. Hai đứa nhỏ ở Huế đứa nào cũng có laptop, vi tính từ bé. Lo cho con như Tạo không phải ông bố nào cũng  làm được. Mẹ vợ mất ở Huế, vợ đang công tác ở Trung Quốc chưa về kịp, dù ở Hà Nội, Tạo cũng “chỉ đạo” bạn bè, người thì lo thông báo các cơ quan, người thì lo chạy dịch vụ áo quan, khâm liệm. Nhờ thế Tạo đã lo đám  tang cho bà rất chu đáo . Đối với bạn bè, Tạo cũng thật chí tình. Ai nhờ vẽ bìa sách, đọc bản thảo, viết giới thiệu sách, hay viết lời tựa cho các tập thơ, Tạo cũng giúp rất  nhiệt tình. Tạo thức cả đêm để viết lời tựa cho người này người khác. Nhất là đối với các nhà thơ trẻ hay những người mới viết. Nhà thơ Văn Cầm Hải khi còn tuổi hai mươi, in tập thơ đầu “Người đi chăn sóng biển”, Nguyễn Trọng tạo đã chăm chú đọc, viết lời tựa, vẽ bìa rồi liên hệ với Nhà xuất bản Trẻ cho tập thơ ra mắt công chúng.  Riêng tôi, trong số 18 đầu sách đã xuất bản thì Nguyễn Trọng Tạo vẽ bìa, viết lời bạt hết 6 cuốn. Có mấy cuốn thơ, tiểu luận, tôi từ Huế email  bản thảo ra nhờ giúp, thế là Nguyễn Trọng Tạo lui cui đi xin giấy phép, vẽ bìa, đưa đến nhà in, chấm mo-rát, rồi lại lo gửi sách vô Huế cho bạn. Có khi phải thêm tiền  vào cho đủ để lấy sách ra. Không chỉ riêng tôi, mà Tạo giúp rất nhiều người như vậy. Hồi ở Huế, Nguyễn Trọng Tạo tuyển “Hai thập kỷ thơ Huế”, tôi còn nhớ một hình ảnh rất cảm động. Vì tập tuyển có in ảnh từng tác giả, mà nhà thơ Thanh Hải đã quá cổ không có ảnh lưu ở Hội, Nguyễn Trọng Tạo phải tìm đến nhà chị Thanh Tâm đơm hoa quả, thắp nhang vái anh Thanh Hải  mới đưa được cái ảnh thờ xuống để chụp lại. Đó là nét văn hoá tâm linh rất chỉnh chu.

Nguyễn Trọng Tạo là người thích quảng giao. Bạn bè anh đông đảo từ trong nước đến  hải ngoại. Bạn bè và các tổ chức mời anh đi ngao du nhiều chuyến ở Ba Lan, Châu Âu, Trung Quốc, Canada… để bàn luận, trao đổi văn chương, học thuật. Trong một chuyến  thăm Bỉ, Nguyễn Trọng Tạo có bài thơ Cu đái khẩu khí, rất đời : nó đứng trên cao cười tít / đái qua đầu bạn đầu tôi / hoa hậu ngước nhìn vẫy vẫy…/ vòi nước cứ tuôn không ngừng /  những bàn tay tranh nhau hứng / nước trời nước thánh rưng rưng”. Bảng  danh sách điện thoại của anh có cả ngàn tên người. Người mến mộ anh khắp cả nước không đếm xuể. Một đêm, đi ngang Tam Điệp, anh ghé vào thị xã, ông chủ tịch đi vắng. Nghe cán bộ điện báo tin có nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ghé thăm, ông chủ tịch thị xã đang ở cách xa 30 cây số cũng phóng xe về chỉ để ôm hôn anh Tạo và xin được bài hát “Khúc hát sông quê” trước mặt tác giả.  Tạo chơi thân từ ông Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, huyện cho đến  chủ  một cây xăng, một người đạp xích lô. Tạo không câu nệ ông này sang, ông này không sang. Sẵn sàng gõ đũa hát Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê theo yêu cầu của bạn. Tạo có giọng hát vang và ấm. Hình như rượu càng sương thì Tạo hát càng bốc, càng hay. Mỗi lần về Huế, Tạo thường tổ chức tại nhà những cuộc “nhậu mặt trận”. Gọi là “nhậu mặt trận” là vì đủ thành phần tham dự: ông lãnh đạo tỉnh, ông giám đốc công an Huế, bạn bè nhà thơ, nhà báo, ông chủ một doanh nghiệp, nhà thơ đạp xích lô… Đám văn chương Huế thân với Nguyễn Trọng Tạo có tôi, Nguyễn Khắc Thạch, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Văn Dũng (Dũng karate), Hồ Thế Hà, Mai văn Hoan, Văn Cầm Hải, Nguyễn Thanh Tú, nậu sách Trương Đức Thành, rồi Đại tá công an Đặng Quang, kiến trúc sư Thái Doãn Long, giám đốc điều tra rừng Mai Xuân Bách… Đó là những người  gọi là “bạn ruột”, hợp với Tạo. Khi say lên, thấy có gì không phải là Tạo mắng mỏ không nể ai. Ném vỡ tan cả con “dế” xịn của ông bạn vừa mới nhậm chức đầu tỉnh… Mỗi lần như thế tôi thường say theo Tạo và nằm đến hôm sau chưa tỉnh. Thế mà Tạo lại đi nhậu tiếp cuộc khác, rồi về nhà ngồi làm thơ, post bài lên blog tới khuya lơ mới ngủ. Có lần 2 giờ sáng, Tạo điện cho tôi thức dậy để nghe Tạo đọc 9 bài thơ vừa mới làm xong. Hồi đó tôi chưa có di động nên phải ra bàn cầm máy nghe. Tôi đứng trong đêm tối nghe thơ và chịu trận muỗi đốt tơi bời.  .   

Có lần Nguyễn Trọng Tạo kể với tôi: “Mình họ Ngô ông ạ. Cụ Tổ  mình tên là Ngô Đình Du, nhưng bà cô ruột lấy chồng họ Nguyễn không có con nên đưa cháu về làm con nuôi họ Nguyễn, và đổi họ thành Nguyễn Trọng Du”. Tôi thích quá liền đùa: “Họ Ngô mới có người tài giỏi thế chứ!”. Nguyễn Trọng Tạo là người có tài thiên bẩm. Anh kể với tôi nhiều chuyện oái oăm của cuộc đời anh. Tạo đa tài giỏi giang nhiều lĩnh vực thế, nhưng lại không có bất cứ một tấm bằng cấp nào trong chuyện học hành. Học cấp 3 Tạo là học sinh xuất sắc, giỏi cả văn cả toán từng thi học sinh giỏi toàn Quốc, nhưng khi đi thi tốt nghiệp do làm bài hộ cho bạn, thế là bị đánh hỏng. Sau đó  thì đi bộ đội dài dài. Nguyễn Trọng Tạo được quân đội cử đi học Trường Viết văn Nguyễn Du khoá I, học đến năm cuối thì công bố bài thơ “Tản mạn thời tôi sống” nên phải rời trường, rời khỏi Văn nghệ Quân đội về lại Quân Khu Bốn. Điều kỳ lạ là con người đa tài làm ra rất nhiều bài hát hay ấy lại không học ở Nhạc viện ngày nào mà chỉ học vài lớp bồi dưỡng ngắn hạn trong quân đội. Có người bảo Nguyễn Trọng Tạo là nhạc sĩ duy nhất ở nước ta không biết chơi đàn (trừ đàn bà). Sống với Tạo mười năm ở Huế, tôi chỉ thấy anh mỗi khi sáng tác thì cầm ghi-ta để bấm “gam”  và gõ nhịp, chứ chưa bao giờ thấy anh ôm đàn vừa hát vừa đệm như những tay sành điệu khác. Hẳn nhiên là biết chơi đàn và biết kỹ thuật để sáng tác nhạc là điều hoàn toàn khác nhau, nhưng phải nhận rằng nhạc sĩ mà không  thèm chơi đàn cũng là chuyện lạ lùng “xưa nay hiếm”. 

Có chuyện lạ nữa là một người nổi tiếng tài hoa cầm kỳ thi họa như Nguyễn Trọng Tạo, lại không có nhà ở. Trong khi có quan chiếm dụng mấy nhà của nhà nước, thì Tạo phải đi ở nhờ  nhà bố mẹ vợ. 10 năm ở Huế, đóng góp nhiều cho Huế nhưng anh không được cấp nhà như những người khác. Anh cứ ước ao có một căn hộ (căn hộ chung cư cũng được) để gọi là “nhà mình”. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lúc đó là Phó Bí thư thường trực tỉnh uỷ đã phê  vào đơn xin nhà của anh “đề nghị giải quyết” rồi, nhưng cơ quan này đổ cho cơ quan khác, chạy năm lần bảy lượt không được, đành phải “bỏ của chạy lấy người” ra “nương thân” ở Hà Nội. Nhờ bạn bè mỗi người một tay vun vào, Tạo mua được căn hộ 62 mét vuông ở tầng 6 khu chung cư. Ở trên cao ấy, lại không có cầu thang máy, mỗi lần say rượu lên xuống như đi trong mây. Tạo ra Hà Nội, Hoàng Phủ Ngọc Tường bị tai biến nằm một chỗ, thế là cái “Chi hội nhà văn Bến Ngự” của chúng tôi tan rã. Ngày Tạo còn ở Huế, ông Tường còn lành, chiều nào ba chúng tôi cũng ngồi với nhau ở một quán cóc nào đấy để nghe “Tường nói”, và nghe Tạo “cảm và luận”.

Nhắc đến Tường lại nhớ chuyện Tạo làm báo. Tạo là người có chính kiến mạnh, có tài phát hiện và rút tỉa vấn đề đưa lên báo những điều bạn đọc rất quan tâm. Đến nay Tạo đã từng trực tiếp làm bốn tờ báo là tạp chí Cửa Việt, Tạp chí Âm nhạc, báo Thơ (chuyên san của báo Văn Nghệ) và tạp chí Sao Việt. Tạo làm Cửa Việt cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Quang Lập nổi đình nổi đám, nức lòng văn nghệ cả nước, nhưng được 17 số thì bị cấm. Làm Tạp chí Âm nhạc thì đẩy 3 tháng/kỳ lên 2 tháng/kỳ, rồi lên tháng/kỳ, chất lượng và hình thức đều được cải tiến mạnh mẽ, nhiều người thích, nhưng đến khi Tạo nghỉ thì nó lại trở về mốc cũ. Tạo làm báo Thơ từ A đến Z như tổ chức bài vở, biên tập, làm mi báo, trình duyệt bài, rồi ký bản đưa in… Báo Thơ ra được 18 số thì Tạo bỏ vì không chịu làm khác ý mình. Tạo nhận làm Tổng giám đốc VVT cũng là để làm báo, đưa ra tạp chí Sao Việt được 4 số đầy hy vọng, nhưng, vừa được chú ý đã bị “xem lại giấy phép” và không bao giờ thấy tạp chí Sao Việt nữa. Phải nói thật tình rằng đó là những tờ báo hay, gợi lên được nhiều vấn đề về học thuật và dân chủ, được độc giả trí thức và bạn đọc cả nước tìm đọc, vì số nào cũng có những vấn đề nóng bỏng. Ví dụ trên báo Thơ có bài viết  rất xác đáng về vấn đề “thơ tình dục”, hay những bài phỏng vấn đối thoại nảy lửa nghề nghiệp với các nhà thơ nổi tiếng. “Biên bản về tập thơ Cửa Mở của Việt Phương” hay “Trần Dần – thơ Sổ bụi” mỗi bài 2 trang báo gây chấn động bạn đọc cũng đều được xuất hiện trên báo Thơ Tạo làm… Trong tủ sách nhà tôi, 17 số Cửa Việt thời Tường – Tạo – Lập, 18 số báo Thơ và 4 số Sao Việt là ba loại báo duy nhất được đóng thành tập để lưu trữ làm tài liệu tham khảo lâu dài. Tạo vẫn khen “bọn lãnh đạo giỏi” ấy là thời Nguyễn Khoa Điềm (dưới bí thư, trên phó bí thư) mời Tạo làm phó Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, nhưng ông bí thư phán xanh rờn: “Huế hết người tài sao phải mời Nghệ An? Tay Tạo mà làm để hắng đưa Sông Hương sang Mỹ à?”. Thế là ông Điềm biết thân biết phận ngay.

Nhưng hình như Nguyễn Trọng Tạo không làm báo không sống được. Anh viết bài đã đành, nhưng anh phải “làm báo”. Rời các cơ quan báo chí nhà nước, Tạo về mở ba bốn cái blog, và tuyên bố “tôi muốn biến blog thành báo điện tử của riêng tôi”. Tạo là người hăng hái cổ võ nhiều người chơi Blog, góp phần hình thành nhiều Câu lạc bộ Blog ở các địa phương và được cử làm chủ tịch Hội Blogger Hà Nội của Vnweblogs. Anh dựng mấy chục blog cho bạn bè: Ngô Minh, Phạm Dạ Thuỷ, Hoàng Vũ Thuật, Hải Kỳ, Mai Văn Hoan, Hoàng Cát, Nguyễn Quang Lập, v.v… Ai không tự  post bài, ảnh lên blog được thì cứ mail bài, ảnh cho Tạo. Anh giúp tất cả mọi người. Cái tình ấy không ai quên! Riêng một mình Tạo có ba cái blog: Nguyễn Trọng Tạo, Hội ngộ văn chương, Sao Việt, cái nào cũng thuộc loại “blog sôi nổi nhất”. Blog Hội Ngộ Văn chương hay Nguyễn Trọng Tạo như là hai tờ báo văn chương mạng rất hấp dẫn độc giả. Rồi anh kết hợp với bạn văn hải ngọai lập website Hội Luận Văn Học Việt Nam nhằm hợp lưu các dòng văn học Việt. Nghĩa là Tạo vẫn không chịu bỏ báo. Anh dùng báo để nói những nỗi niềm tâm huyết của mình về văn chương và cuộc đời. Âu đó cũng là cái duyên cái nghiệp của anh.

Cho đến bây giờ, đã gần ba mươi năm bài thơ Tản mạn thời tôi sống của Tạo ra đời, nhưng “thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi . Câu trả lời thật không dễ dàng chi” như vẫn vận vào xã hội, vận vào người nghệ sĩ tài hoa này…

Huế, 2008.

Ngô Minh

Nguyễn Quốc Minh (Theo ngaydem-digital.com)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email  Thảo luận


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tin mới-Tin mới-Tin mới 
“GIA ĐÌNH CHÍNH LÀ NƠI GIỔ TỔ, CÒN TẤT THẢY CÁC NƠI KHÁC CHỈ LÀ CHỔ VUI CHƠI MÀ THÔI” - NGUYỄN QUÔC MINH ( NGÀY ĐÊM)
HÁT CARAOKE "ĐẤT ĐÓNG BĂNG - ĐẤT LÀ ĐẤT, EM LÀ EM" - CA SỸ ĐƯỜNG XÓM TUYỆT VỜI !
MỪNG NHÂN LOẠI YÊU QUÝ HÒA BÌNH - TỰ DO - NHÂN QUYỀN - DÂN CHỦ TRÊN TOÀN THẾ GIỚI ĐÓN CHÀO NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC 20-3
CHÚC MỪNG NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8-3 VÌ HÒA BÌNH-TỰ DO-NHÂN QUYỀN-DÂN CHỦ TRÊN TOÀN THẾ GIỚI
Tin trên Google : Ngày Đêm 01/03/2024 - 31/05/2024
HÃY QUAY MẶT ĐỐI DIỆN VỚI SỰ THẬT - HÀI KỊCH 2024
RÙNG MÌNH VỀ SỰ THẬT THỰC PHẨM ĐỘC HẠI...XUỐNG HỐ CẢ NÚT
TỔNG THỐNG HOA KỲ JOE BIDEN TUYÊN BỐ : "PUTIN VÀ BỘ SẬU CÔN ĐỒ" ĐÃ GÂY RA CÁI CHẾT CỦA NAVALNY
LUẬT SƯ HOÀNG VIỆT VÀ LUẬT SƯ ĐẶNG ĐÌNH MẠNH TRẢ LỜI PHỎNG VẤN ĐÀI RFA VÌ SAO HOA KỲ, EU... CHƯA CÔNG NHẬN VIỆT NAM LÀ NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG THEO ĐÚNG 6 TIÊU CHÍ CHUẨN MỰC QUY ĐỊNH CỦA QUỐC TẾ
BẢN CHẤT MỐI ĐE DỌA BẮC TRIỀU TIÊN THAY ĐỔI

 Lịch vạn sự 
Tháng
Năm 

Danh ngôn:
Chỉ có lưỡi bò mới nói ra chính xác mấy chữ diễn biến hoà bình và phản động.
Nguyễn Quốc Minh – Doanh nhân Ngày Đêm.

Bản quyền thuộc về : Nguyễn Quốc Minh - Doanh nhân Ngày Đêm