Lượt truy cập 
 Đang online 003
 Tổng số : 007584399
 
Tin tức » Sự kiện & bình luận Hôm nay là :
Đảng cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) trong chiến lược độc chiếm biển Đông bao gồm Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam.
05.07.2012 18:37

Xem hình
Bản đồ gốc về lãnh hải Biển của Trung Quốc
NĐ: Hàng loạt tài liệu, bản đồ chính thức và bán chính thức của Trung Quốc cho đến đầu thế kỷ 20 đều chỉ vẽ lãnh thổ Trung Quốc đến đảo Hải Nam. “Hoàng triều nhất thống dư địa tổng đồ” xuất bản năm 1894, “Đại Thanh đế quốc toàn đồ” xuất bản 1905, tái bản 1910 thể hiện rõ ràng điểm cực nam của Trung Quốc ở bờ nam đảo Hải Nam, và cuốn Trung Quốc địa lý giáo khoa thư xuất bản 1906 ghi rõ: Điểm cực nam Trung Quốc là Châu Nhai, Quỳnh Châu (tức Hải Nam). Sợ không chính xác, cuốn sách này còn nói rõ thêm: điểm cực nam đó ở vĩ tuyến 18o13’ bắc.



Bản đồ Lưỡi Bò phản khoa học do đảng CS Trung Quốc phổ biến khắp thế giới.

 Trung Quốc trong chiến lược độc chiếm biển Đông

Ý đồ độc chiếm biển Đông và luận điệu phi lý của Trung Quốc lộ rõ từ lịch sử hành chính Hải Nam đến việc thành lập “TP.Tam Sa”.

Trước thông tin Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập cái gọi là “TP.Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa  - Trường Sa của Việt Nam, ngày 21.6.2012, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ quyết định này. Chủ tịch TP.Đà Nẵng và Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cũng nhấn mạnh: “Quyết định này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị pháp lý”.

Chúng ta cùng xem xét xâu chuỗi từ lịch sử quá trình quản lý đảo Hải Nam với các sự kiện thành lập tỉnh Hải Nam (ngày 13.4.1988), thành lập đô thị cấp huyện thuộc tỉnh Hải Nam lấy tên là Tam Sa quản lý Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam (tháng 11.2007) đến quyết định phê chuẩn lập TP.Tam Sa vừa qua. Bình  thường, việc thành lập một tỉnh, thành phố thuộc thẩm quyền và là công việc nội bộ của một quốc gia. Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc thành lập tỉnh Hải Nam hay TP.Tam Sa bao gồm cả lãnh thổ nước láng giềng thì không còn là công việc nội bộ của Trung Quốc nữa, mà là một việc làm bất hợp pháp, vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước khác.

Biên giới Trung Quốc chỉ đến Hải Nam

Cho đến đời tiền Hán (206 - 8 trước CN), đảo Hải Nam do người Lê (hay Ly), một tộc Việt trong Bách Việt, làm chủ nhưng bị người Trung Quốc ở Quảng Đông chinh phục. Đây có thể coi là bước đầu tiên tiến xuống biển Đông của các triều đại Trung Quốc. Các chính quyền kế tiếp nhau liên tục đưa người Hoa đến định cư ở vùng ven bờ đảo Hải Nam, dồn người Lê (hay Ly) vào vùng rừng núi ở sâu bên trong đảo. Các bộ lạc người Lê không cam chịu cảnh áp bức bóc lột, vùng lên khởi nghĩa nhưng bị đàn áp dữ dội nên đều thất bại. Một điều đáng chú ý là ở đảo Hải Nam có dân Lê (Ly) thì ở Thanh Hóa có dân Ly. Giữa người Lê (Ly) của đảo Hải Nam và Thanh Hóa chắc có sự giao thân. Vì vậy, năm 1905, ông E.Brerault khảo sát đảo Hải Nam thấy có “người Việt ở bờ biển phía nam đảo Hải Nam”. Đó chính là người Lê (Ly) ở ven biển.

Hoàng triều nhất thống dư địa tổng đồ” xuất bản năm 1894, “Đại Thanh đế quốc toàn đồ” xuất bản 1905, tái bản 1910 thể hiện rõ ràng điểm cực nam của Trung Quốc ở bờ nam đảo Hải Nam, và cuốn Trung Quốc địa lý giáo khoa thư xuất bản 1906 ghi rõ: Điểm cực nam Trung Quốc là Châu Nhai, Quỳnh Châu (tức Hải Nam)

Ngoài các chính sách bóc lột hà khắc về mặt kinh tế, chính quyền phong kiến Trung Quốc vẫn dùng phương pháp chia để trị. Họ chia nhỏ các bộ lạc người Lê, bắt sống rải rác xen kẽ với các bộ lạc người Mông di cư từ tây nam Trung Quốc đến sau này. Trong vòng 19 thế kỷ tiếp theo, các chính quyền phong kiến Trung Quốc tiếp tục cho di dân đến và áp dụng chính sách đồng hóa để biến Hải Nam thành lãnh thổ của mình.

Từ thời Đường (618 - 906) đến năm 1909, Hải Nam vẫn bị coi là vùng biên giới “lam sơn chướng khí” và dùng làm nơi đày ải tù chính trị. Người bị đi đày nổi tiếng nhất ở đây có lẽ là nhà thơ Tô Đông Pha (1036-1101).

Sự cách biệt với nền văn hóa lục địa Trung Quốc, nạn cướp biển ven bờ, bệnh sốt rét ác tính cùng với sự nổi dậy thường xuyên của các bộ lạc bản xứ đã ngăn cản chính quyền Trung Quốc đưa người Hoa đến đây định cư với quy mô lớn. Hơn nữa, khí hậu nhiệt đới khác xa với đại lục, không thích hợp với kinh tế của người Hoa cũng là nguyên nhân làm cho nền kinh tế trên đảo chậm phát triển và người Hoa không muốn định cư ở đây. Những nguyên nhân khách quan này cản trở chính sách tiến xuống biển Đông của các triều đại Trung Quốc. Vì vậy, đến những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, các chính quyền Trung Quốc đều coi lãnh thổ của mình chỉ bao gồm từ đảo Hải Nam trở lên phía bắc.

Đã có nhiều sự kiện, bằng chứng được ghi nhận trong sách vở Trung Quốc và Việt Nam chứng tỏ cương giới cực nam của Trung Quốc đến đầu thế kỷ 20 chỉ ở bờ biển phía nam đảo Hải Nam. Các quần đảo Hoàng  Sa - Trường Sa không thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Trong thời gian đó, nhà nước phong kiến Việt Nam đã làm chủ thực sự và tổ chức đội Hoàng Sa đi khai thác 2 quần đảo của mình.



Bản đồ của Trung Quốc đến đầu thế kỷ 20 chỉ vẽ lãnh thổ đến đảo Hải Nam - Ảnh: Đại Thanh nhất thống toàn đồ xuất bản năm 1894 với đảo nhỏ phía dưới là Hải Nam, gần đó bên trái là Giao Chỉ (VN) - Nguồn: Biengioilanhtho.gov.vn

Tham vọng và mưu đồ

Từ năm 1909, Trung Quốc mới bộc lộ tham vọng trên biển Đông. Theo lệnh Phó vương Lưỡng Quảng, Đô đốc Lý Chuẩn đem một số pháo thuyền nhỏ đến một vài đảo của Hoàng Sa, bắn vài phát súng rồi vội vã rút lui dù khi đó quần đảo này đã có chủ. Từ đó, Trung Quốc bắt đầu có những hành động tranh chấp chủ quyền đối với 2 quần đảo trên biển Đông của Việt Nam.

Năm 1932, Trung Quốc chính thức nêu yêu sách tiến xuống phía nam tới quần đảo Hoàng Sa. Trong Công hàm 29.9.1932 của đại diện Trung Quốc tại Paris gửi chính phủ Pháp chỉ nêu yêu sách quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa): “Tây Sa là bộ phận lãnh thổ cực nam của Trung Quốc”. Với công hàm này, Trung Quốc chưa hề yêu sách đối với Trường Sa. Những dữ kiện nói trên càng chứng tỏ lập luận Trung Quốc có “chủ quyền từ lâu đời” trên 2 quần đảo là không có cơ sở. Tiếp đó, họ chưa làm thêm được gì thì đảo Hải Nam bị quân đội Nhật chiếm đóng từ 1939 đến năm 1945.

Tháng 4.1950, phe Tưởng Giới Thạch phải từ bỏ Hải Nam. Từ đó, nơi đây được xem là một bàn đạp quan trọng trong chiến lược xâm chiếm biển Đông, vốn được đẩy lên mức hơn hẳn các chế độ trước đó.

Cùng năm, một nhà xuất bản Trung Quốc cho ra bản đồ “Trung Hoa Nhân dân Cộng hòa quốc phân tỉnh tinh đồ”. Trong đó, điểm cực nam không còn ở đảo Hải Nam nữa mà nó đã được đưa xuống phía nam hơn 1.500 km, tới tận vĩ tuyến 40 bắc, gần bờ biển Malaysia. Theo bản đồ này, đường “lưỡi bò” trên biển ôm trọn tới 80% biển Đông, bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng  Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tham vọng quá đáng của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia Việt Nam và một số nước Đông Nam Á.

Tiếp theo “chính sách xâm lược bằng bản đồ”, vào ngày 15.8.1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Chu Ân Lai tuyên bố yêu sách về vùng biển và hải đảo theo bản đồ nói trên. Từ đó, Bắc Kinh tích cực bắt tay chuẩn bị hành động. Nhưng do tình hình quốc tế lúc bấy giờ và lực lượng hải quân còn yếu nên tham vọng trên hướng biển vẫn còn có mức độ. Năm 1956, lợi dụng quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương, quân đội Sài Gòn chưa kịp ra thay thế ở Hoàng Sa, Trung Quốc bí mật đưa quân đổ bộ, chiếm đóng đảo Phú Lâm và Linh Côn thuộc nhóm phía đông của quần đảo Hoàng Sa.

Tháng 1.1974, sau khi ký Thông cáo chung Thượng Hải và với sự làm ngơ của Mỹ, Trung Quốc huy động lực lượng kết hợp hải quân, không quân đánh chiếm nốt nhóm phía tây của Hoàng Sa. Chỉ huy chiến dịch mở mang bờ cõi bất hợp pháp này là ông Đặng Tiểu Bình và tướng Diệp Kiếm Anh (còn tiếp).

Bằng chứng về luận điệu thiếu cơ sở của Trung Quốc

-  Nhiều sách báo phương Tây ghi lại sự kiện khoảng năm 1895, 1896 tàu Bellona của Đức và tàu Ymedi Maru của Nhật chở hàng cho Anh bị đắm ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Hải Nam 140 hải lý về phía nam. Người Trung Quốc ở đảo Hải Nam đã ra lấy trộm đồng trên tàu. Lãnh sự Anh ở Hải Nam phản đối với nhà đương cục Trung Quốc và nhận câu trả lời rằng Hoàng Sa không thuộc Trung Quốc do đó Trung Quốc không có trách nhiệm gì ở đấy.

-  Hàng loạt tài liệu, bản đồ chính thức và bán chính thức của Trung Quốc cho đến đầu thế kỷ 20 đều chỉ vẽ lãnh thổ Trung Quốc đến đảo Hải Nam. “Hoàng triều nhất thống dư địa tổng đồ” xuất bản năm 1894, “Đại Thanh đế quốc toàn đồ” xuất bản 1905, tái bản 1910 thể hiện rõ ràng điểm cực nam của Trung Quốc ở bờ nam đảo Hải Nam, và cuốn Trung Quốc địa lý giáo khoa thư xuất bản 1906 ghi rõ: Điểm cực nam Trung Quốc là Châu Nhai, Quỳnh Châu (tức Hải Nam). Sợ không chính xác, cuốn sách này còn nói rõ thêm: điểm cực nam đó ở vĩ tuyến 18o13’ bắc.

-  Trong cuốn Phủ biên tạp lục của nhà bác học Việt Nam Lê Quý Đôn viết năm 1776 cũng ghi lại một sự việc: Năm 1754, thuyền của đội Hoàng Sa do Chúa Nguyễn phái ra khai thác Hoàng Sa bị đứt dây neo, trôi dạt vào cảng Thanh Lan thuộc đảo Hải Nam. Các quan sở tại đã tra xét những người ở trên thuyền, khi biết là người của đội Hoàng Sa Việt Nam, đã chu cấp tiền, gạo cho về quê mà không hề phản đối gì. Chúa Nguyễn còn sai người viết thư cám ơn.

                                        Tiến sĩ Hoàng Trọng Lập (*)

(*) Nguyên Phó trưởng ban Biên giới của Chính phủ, nguyên Đại sứ VN tại Malaysia

Nguồn >>Thanh Niên.Online: Trung Quốc trong chiến lược độc chiếm biển Đông

Người dân Trung Quốc đang bị kích động

 TT - Tại sao ở Trung Quốc liên quan đến vấn đề biển Đông lại xuất hiện dư luận hiếu chiến đến mức mù quáng, bất chấp lẽ phải và sự thật, bất chấp luật pháp quốc tế? Kết quả của một cuộc thăm dò của Thời báo Hoàn Cầu.

Kết quả của một cuộc thăm dò do Thời báo Hoàn Cầu thực hiện với gần 1.500 người ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô, Tây An, Thẩm Dương... cho thấy rõ điều này. Gần 80% ủng hộ Trung Quốc “sử dụng vũ lực để đập tan các hành động gây hấn và xâm phạm” trên biển Đông. Chỉ vỏn vẹn 16,6% là nói không.

Thử khảo sát trên các trang Weibo... của cư dân mạng Trung Quốc cũng dễ dàng nhận thấy một dư luận tương tự. Rất nhiều ý kiến đòi chính quyền tuyên chiến trên biển Đông. “Không có chỗ cho đàm phán khi xét đến vấn đề lãnh thổ. Một cuộc chiến có thể đem lại 10 năm hòa bình” - một người viết. Người khác lại thẳng thừng: “Tôi ủng hộ việc bắn phá Philippines”. Nhiều người còn chỉ trích chính quyền Trung Quốc là hèn nhát, không dám bảo vệ đất nước. Đa số khẳng định căng thẳng trên biển Đông là “âm mưu thâm độc” do Mỹ dàn dựng để chống Trung Quốc...

Tâm lý nạn nhân

Tại sao dư luận Trung Quốc lại mù quáng, bất chấp đạo lý và lẽ phải đến như vậy? Câu trả lời dễ nhận ra là do người dân đã bị “tẩy não” và bị “đầu độc” hằng ngày hằng giờ những điều sai lệch.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc, điển hình nhất là tờ Thời báo Hoàn Cầu, thường xuyên cáo buộc Việt Nam và Philippines là “kích động”, “gây hấn” trên biển Đông và đòi chính quyền Bắc Kinh phải phát động “một cuộc chiến tranh quy mô nhỏ” chống lại các quốc gia Đông Nam Á. Giới tướng lĩnh quân đội Trung Quốc (PLA) liên tục đe dọa sẽ trừng trị các nước láng giềng.

Sách giáo khoa của học sinh tiểu học và trung học đều khẳng định cực nam lãnh thổ Trung Quốc là quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các bản đồ chính thức của Trung Quốc cũng vẽ lãnh thổ Trung Quốc kéo dài tới tận Trường Sa.

Tất nhiên, sách giáo khoa Trung Quốc đã lờ tịt việc hải quân nước này đánh chiếm bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974. Giới “học giả” Trung Quốc cứ ra rả một luận điệu dối trá khi nhấn mạnh trước thập niên 1970 không hề có cái gọi là “vấn đề biển Đông” do “biển Đông thuộc quyền quản lý của Trung Quốc”.

Trung Quốc hiện có một số tổ chức lớn chuyên nghiên cứu về biển Đông như Viện Hàng hải Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Nam Hải, Học viện Khoa học xã hội, Viện Quan hệ quốc tế đương đại... Các “học giả” và “chuyên gia” của các tổ chức này, thông qua các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, đều chung một luận điệu dối trá cho rằng khu vực được quy định bởi “đường chín đoạn” là thuộc chủ quyền lịch sử của Trung Quốc.

Phân tích dư luận của Trung Quốc về vấn đề biển Đông, nghiên cứu của Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) cho rằng nguyên nhân là do chính quyền Bắc Kinh đã “tẩy não” người dân nước mình ngay từ khi họ còn là những đứa trẻ và “đầu độc” họ hằng ngày, nên người dân luôn tin rằng toàn bộ biển Đông là của Trung Quốc. Hằng ngày họ liên tục tiếp nhận những thông tin méo mó, dối trá qua các phương tiện thông tin. Do đó, niềm tin này càng trở nên mạnh mẽ đến mức họ coi các quốc gia khác là kẻ gây hấn, còn Trung Quốc là người vô tội.

Tâm lý của kẻ bị vây hãm

Vẫn theo ICG, trong vấn đề biển Đông, chính quyền Trung Quốc đã kích động một tâm lý dân tộc cực đoan bằng cách mô tả Trung Quốc là “nạn nhân” của các quốc gia xung quanh, là “kẻ yếu thế” trong các tranh chấp trên biển Đông. Chẳng hạn, báo chí Trung Quốc thường đưa tin theo kiểu: “Có hơn 1.000 giàn khoan dầu trên biển Đông và bốn sân bay ở Trường Sa, nhưng không có một cái nào là của Trung Quốc”.

Việc Mỹ tuyên bố trở lại châu Á càng là cơ hội để truyền thông Trung Quốc tô đậm “tâm lý nạn nhân” này, đẩy nó lên thành “tâm lý của kẻ bị vây hãm” bởi “những thế lực chống Trung Quốc” ở bên ngoài, và Trung Quốc đang phải tả xung hữu đột để chống đỡ và cố thoát ra tình trạng bị bủa vây này. Tất nhiên, như ICG vạch rõ, bằng cách này các cơ quan và chính quyền địa phương ở Trung Quốc mới có thể lợi dụng để thực hiện những ý đồ riêng. Họ thường công khai chỉ trích các quốc gia khác để gây sức ép buộc chính quyền Bắc Kinh hỗ trợ thêm nguồn lực. PLA cũng lợi dụng tranh chấp ở biển Đông để mở rộng ngân sách quốc phòng.

Chính do những thứ tâm lý này, các giọng điệu hiếu chiến luôn chiếm ưu thế trước quan điểm ôn hòa trong dư luận Trung Quốc. Cũng chính vì tự thổi ngọn lửa dân tộc cực đoan, chính quyền Bắc Kinh lại luôn bị áp lực phải thể hiện bộ mặt cứng rắn để không bị xem là yếu thế mỗi khi đề cập đến vấn đề biển Đông. Một số học giả nhận định chính Bắc Kinh đã “tự tạo ra một con quái vật mà nó sẽ khó lòng kiểm soát”.

Tất nhiên, ở Trung Quốc vẫn còn có những người tử tế, biết tôn trọng lẽ phải và sự thật, biết yêu đất nước mình và tôn trọng quyền lợi chính đáng của những nước khác như hội thảo “Chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế” do Viện Nghiên cứu kinh tế và báo mạng Tân Lãng tổ chức mới đây đã cho thấy. Thế nhưng những tiếng nói như vậy còn ít ỏi và lẻ loi, thậm chí đang có nguy cơ bị xem là “những kẻ phản quốc”. Nguyên văn tuyên bố của thiếu tướng quân đội Trương Châu Trung như sau: “Có hơn 1 triệu kẻ phản quốc ở Trung Quốc. Một số học giả là do Mỹ đào tạo, đọc sách Mỹ, chấp nhận quan niệm Mỹ và họ đang giúp Mỹ chống Trung Quốc”.

                               SƠN HÀ - ĐÔNG PHƯƠNG

Nguồn >>Tuổi trẻ.Online

TIN LƯU Ý:
*.Bệnh nhân tử vong, bác sĩ TQ "biến mất" - Phòng khám Đa khoa Maria tại Hà Nội là của Trung cộng
*.Điểm mặt thực phẩm Trung Quốc cực độc



 Học giả Trung Quốc phản đối “Đường lưỡi bò”

TT - Trong khi giới tướng lĩnh “diều hâu” cứ leo thang gây hấn, đòi thực hiện chủ quyền trên biển Đông dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn”(“đường lưỡi bò”) thì nhiều học giả TQ vạch rõ con đường tự vẽ trên giấy này vô căn cứ.

Điều này có thể thấy rõ tại hội thảo “Chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế” do Viện Nghiên cứu kinh tế và báo mạng Tân Lãng (sina.com.cn), Trung Quốc tổ chức vào tháng 6-2012. Tại hội thảo này, một số học giả nổi tiếng của Trung Quốc đã gióng lên những tiếng nói tỉnh táo, biết tôn trọng lẽ phải và sự thật.

Giáo sư Thịnh Hồng thuộc ĐH Sơn Đông thừa nhận một thực tế: quan điểm về chủ quyền lãnh thổ của người Trung Quốc là có “lệch lạc”. “Chúng ta không nên chỉ nghĩ lợi ích cho mình mà cần phải quan tâm đến lợi ích của toàn thể thế giới bằng cách tuân thủ các quy tắc quốc tế” - giáo sư Thịnh Hồng nhấn mạnh.

Không có chứng cớ

Giáo sư Lý Lệnh Hoa thuộc Trung tâm Tin tức hải dương Trung Quốc cho biết rất nhiều học giả Trung Quốc từng khẳng định “đường chín đoạn” là bản đồ không có thật bởi theo ông, “đường chín đoạn” này do Trung Quốc tự vẽ ra, không hề có kinh độ, vĩ độ cụ thể, cũng không có chứng cứ pháp lý.

Giáo sư Lý nhấn mạnh trong tranh chấp trên biển Đông, Trung Quốc luôn thiếu chứng cứ. Dẫn chứng: Bắc Kinh luôn tuyên bố Trung Quốc “có chủ quyền không thể tranh cãi” đối với bãi cạn Scarborough nhưng lại không đưa ra được bất kỳ bằng chứng cụ thể nào.

“Năm 1947, Trung Quốc đưa bãi cạn Scarborough vào đường chín đoạn, song không đưa ra được con số cụ thể về diện tích bãi cạn này. Trong khi đó, nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Kiểu lập luận này của Trung Quốc là khập khiễng và áp đặt, không thấu tình đạt lý và Philippines lên tiếng về chủ quyền là chuyện đương nhiên” - giáo sư Lý nói.

Do vậy, theo ông, “đường chín đoạn” chỉ do Trung Quốc đơn phương đưa ra mà không được quốc gia nào thừa nhận. “Khi vẽ đường ranh giới trên biển, chúng ta cần căn cứ theo quy tắc quốc tế, không thể nói căn cứ vào lịch sử, tình trạng giàu nghèo, nhân khẩu của đất nước. Đó không phải là chứng cứ” - giáo sư Lý phân tích.

Trong khi đó, sách giáo khoa Trung Quốc luôn khẳng định đây là vùng biển của Trung Quốc, vô hình trung cung cấp thông tin sai lệch cho người dân. Trong khi đó, một số tờ báo lớn như Thời Báo Hoàn Cầu lại luôn đưa tin về biển Đông một cách thiên lệch, kích động, khuynh loát dư luận, cứ động một chút là đòi “động binh đánh người”.

Ông kiến nghị cần phải giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS), tuyệt đối không sử dụng vũ lực. Trung Quốc cần căn cứ vào UNCLOS để vẽ lại bản đồ biển đảo. “Trung Quốc không thể sử dụng “đường chín đoạn” như hiện nay để tuyên bố chủ quyền” - giáo sư Lý nhấn mạnh. Các nước ven biển Đông cần vạch rõ khu vực đặc quyền kinh tế trước rồi mới tính đến chuyện khai thác chung.

Là người chứ không phải là thú

Cũng đề cập “đường chín đoạn”, giáo sư Thời Đoạn Hoằng thuộc ĐH Nhân dân Trung Quốc cho rằng Trung Quốc đang đánh lận con đen về đường này. “Toàn bộ biển Đông thuộc về Trung Quốc ư? Gần đây báo chí chúng ta cũng lập lờ về vấn đề này. Nếu nói toàn bộ biển Đông là của Trung Quốc thì cả thế giới sẽ không chấp nhận đâu” - ông nhấn mạnh.

Từ góc độ một triết lý nhân sinh rất phải đạo, giáo sư Hà Quang Hộ, Viện triết học thuộc ĐH Nhân dân Trung Quốc, nhập đề: “Là người phải có nhân tính. Chúng ta đều là con người chứ không phải loài dã thú sống trong rừng sâu. Trong quan hệ giữa người với người, chúng ta phải tính đến lợi ích của người khác”. Đề cập vấn đề biển Đông, ông vạch rõ: “Nhìn vào bản đồ “đường chín đoạn” do chúng ta vẽ, người dân các nước sẽ phản ứng. Bởi nếu theo cái gọi là “đường chín đoạn” thì đường giới tuyến trên biển của Trung Quốc sẽ liếm tới đường bờ biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Tôi không tin các quốc gia khu vực sẽ chấp nhận bản đồ này. Nếu biển Đông bị vẽ thành một đường biển quốc nội như thế thì các nước có tuyến vận tải đi ngang biển Đông cũng không thể chấp nhận”.

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên các học giả Trung Quốc lên tiếng nói cảnh tỉnh của mình đối với chính quyền và dư luận Trung Quốc. Vào tháng 6-2011, họ cũng đã nêu lên các ý kiến tương tự. Lần đó, giáo sư Lưu Giang Vĩnh thuộc ĐH Thanh Hoa đã nêu rõ Trung Quốc cần tuân thủ nguyên tắc “cùng hợp tác và phát triển”. Học giả Ngô Sĩ Tồn nhấn mạnh Trung Quốc phải giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Nhà nghiên cứu Tiết Lực thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc đã cảnh báo nếu sử dụng vũ lực trên biển Đông, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với sức ép to lớn từ cộng đồng quốc tế và như vậy, Trung Quốc đang tự tay hủy hoại môi trường thuận lợi và những cơ hội chiến lược để phát triển đất nước.

                                        MỸ LOAN - SƠN HÀ

Nguồn >>> Tuổi Trẻ

Nguyễn Quốc Minh



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email  Thảo luận


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tin mới-Tin mới-Tin mới 
Tin trên Google : Ngày Đêm 17/09/2024 - 30/10/2024
HIỂU VỀ ĐỒI MỒI, TÀN NHANG, NÁM DA, RỤNG TÓC & CÁCH PHÒNG NGỪA, ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ
QUYỀN ĐƯỢC LÀ CHÍNH MÌNH. ĐÓ LÀ CÂU CHUYỆN CỦA NGÀNH GIÁO DỤC, KHÔNG PHẢI CỦA NGÀNH CÔNG AN
XÃ HỘI GÌ ? CHỦ NGHĨA GÌ ? KHI GÁN GHÉP THÀNH “XÃ HỘI CHỦ NGHĨA”
TỐP 10 VÀ TỐP 20 NGÂN HÀNG HOÀN THÀNH TỐT KINH DOANH 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2024 VÀ NĂM 2023 NỘP NGÂN SÁCH LỚN NHẤT
CHÚC MỪNG QUỐC KHÁNH UKRAINE 24 - 8
RÙNG MÌNH VỀ SỰ THẬT THỰC PHẨM ĐỘC HẠI...XUỐNG HỐ CẢ NÚT
MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT KHI SỬ DỤNG MÁY ĐIỀU HÒA VÌ SỨC KHỎE
MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT KHI ĂN, UỐNG ĐỂ BẢO VỆ SỨC KHỎE
TỔNG THỐNG MỸ JOE BIDEN ĐÃ CÓ ĐIỂM DỪNG RẤT ĐÚNG LÚC KHI CHẠY ĐUA VÀO NHÀ TRẮNG NHIỆM KỲ 2. CHÚC MỪNG !

 Lịch vạn sự 
Tháng
Năm 

Danh ngôn:
Kiên nhẫn làm tròn nhiệm vụ và im lặng là câu trả lời tốt nhất cho mọi lời vu khống.
G.OASINHTON.

Bản quyền thuộc về : Nguyễn Quốc Minh - Doanh nhân Ngày Đêm